Bản tin thời sự sáng 4/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất đầu tư 4.800 tỷ đồng xây trạm bơm nước cho 3 tỉnh miền Tây; TP.HCM khánh thành Bảo tàng Tôn Đức Thắng; hai tuyến cáp quang biển qua Việt Nam cùng gặp sự cố; đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng mở rộng đoạn quốc lộ nối cầu Rạch Miễu…

Đề xuất đầu tư 4.800 tỷ đồng xây trạm bơm nước cho ba tỉnh miền Tây

Doanh nghiệp đề xuất xây dựng trạm bơm và hệ thống ống truyền tải cho Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng, cung cấp nước ngọt cho người dân trong mùa hạn mặn.

Dòng kênh cạn nước tại huyện Trần Văn Thời trong đợt hạn mặn năm 2024

Dòng kênh cạn nước tại huyện Trần Văn Thời trong đợt hạn mặn năm 2024

Nội dung trên do Công ty CP Đầu tư ngành nước DNP đề nghị tại buổi làm việc với UBND tỉnh Sóc Trăng.

Theo đề xuất của doanh nghiệp, trạm bơm nước thô vùng Tây Nam sông Hậu sẽ đặt tại thượng nguồn sông Hậu, đồng thời hình thành hệ thống tuyến ống truyền tải kín liên vùng tỉnh, dẫn nước thô đến các nhà máy xử lý nước sạch hiện có và tương lai trên địa bàn Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Mục tiêu là đảm bảo cung cấp nguồn nước mặt đầy đủ cho sinh hoạt, sản xuất, khắc phục tình trạng nước nhiễm mặn, thay thế nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức gây tình trạng sụt lún tại khu vực.

Doanh nghiệp sẽ đầu tư trạm bơm và các tuyến ống truyền tải chính đến khu vực trung tâm mỗi tỉnh. Các tỉnh sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư tuyến ống kết nối tiếp theo đến các nhà máy nước trên địa bàn.

Giai đoạn đầu của Dự án, nguồn nước thô được khai thác trên sông Cần Thơ đoạn gần ngã 3 nối kênh xáng Xà No về phía thượng nguồn. Các giai đoạn tiếp theo, tùy tình hình diễn biến xâm nhập mặn, điểm thu nước sẽ được dịch chuyển dần lên thượng nguồn sông Hậu tại các khu vực Ô Môn, Thốt Nốt (Cần Thơ), Châu Đốc (An Giang).

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 4.800 tỷ đồng; trong đó doanh nghiệp đầu tư trực tiếp 3.300 tỷ đồng, phần hệ thống kết nối do ngân sách các tỉnh tự đầu tư là 1.500 tỷ đồng (Sóc Trăng 500 tỷ đồng, Bạc Liêu 200 tỷ đồng, Cà Mau 800 tỷ đồng).

Công suất giai đoạn này của Dự án là 300.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch sinh hoạt, sản xuất cho 3 tỉnh đến năm 2037. Công suất giai đoạn 2 của Dự án là 600.000 m3/ngày đêm và dự phòng mở rộng đến 100.000 m3/ngày đêm.

Dự kiến, giai đoạn 1 của Dự án hoàn thành trong quý 1/2028. Giá bán nước thô năm đầu tiên là 3.500 đồng mỗi m3; lộ trình tăng giá 5 năm tiếp theo là 10% mỗi năm cho đến khi giá bán nước thô đạt 5.637 đồng mỗi m3; bắt đầu từ năm thứ 6 trở đi, giá bán nước thô được điều chỉnh 7% mỗi 2 năm.

Các tỉnh miền Tây thường xảy ra hạn mặn, thiếu nước vào tháng 3, 4 hàng năm, ảnh hưởng người dân và sản xuất nông nghiệp. Điển hình như đợt hạn mặn lịch sử năm 2016 (100 năm mới lặp lại) khiến 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng.

TP.HCM khánh thành Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Sáng 3/1, Bảo tàng Tôn Đức Thắng (TP.HCM) được khánh thành, đưa vào phục vụ khách tham quan sau hơn 4 năm khởi công.

Bảo tàng Tôn Đức Thắng mới

Bảo tàng Tôn Đức Thắng mới

Dự án tọa lạc tại số 5 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, vốn đầu tư 275 tỷ đồng, khởi công từ năm 2020 song gián đoạn vì dịch Covid-19. Đây là một trong những công trình tiêu biểu của Thành phố chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Công trình gồm 4 tầng nổi và 1 tầng hầm, tổng diện tích hơn 8.500 m2. Sau khi hoàn thành, Bảo tàng trưng bày các chủ đề liên quan cuộc đời Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng qua các giai đoạn, với khoảng 1.000 hiện vật và hình ảnh. So với bảo tàng cũ, diện tích trưng bày của công trình mới lớn gấp 5 lần, có ứng dụng công nghệ giúp giới thiệu sinh động các hình ảnh đến người xem.

Bảo tàng Tôn Đức Thắng thành lập năm 1988 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông với tên gọi ban đầu là Nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Bảo tàng có 5 phòng trưng bày, từ khi thành lập đã đón hơn 1,5 triệu lượt khách trong và ngoài nước tham quan.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888 - 1980) quê ở An Giang, là nhà cách mạng nổi tiếng, giữ vai trò chủ chốt trong cuộc bãi công của công nhân Ba Son năm 1925 phản đối thực dân Pháp. Ông là Chủ tịch nước thứ hai của Việt Nam từ năm 1969 đến 1980, trước đó là Phó Chủ tịch nước giai đoạn 1960 - 1969. Ông thường được người dân gọi thân mật là Bác Tôn.

Hai tuyến cáp quang biển qua Việt Nam cùng gặp sự cố

Hiện nay, hai tuyến cáp biển APG và IA đang cùng gặp sự cố làm ảnh hưởng kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế.

Trung bình mỗi năm các tuyến cáp quang biển Việt Nam đang sử dụng gặp khoảng 15 sự cố

Trung bình mỗi năm các tuyến cáp quang biển Việt Nam đang sử dụng gặp khoảng 15 sự cố

Theo đó, tuyến cáp quang biển quốc tế IA (Liên Á) gặp sự cố mới từ ngày 26/12/2024 trên nhánh S1 giữa phân đoạn từ Việt Nam đi Singapore, làm mất toàn bộ dung lượng kết nối Internet Việt Nam với Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore. Hiện chưa có thông tin về phương án, thời gian sửa chữa sự cố này.

Trước đó, từ ngày 29/11/2024, tuyến cáp biển APG (châu Á - Thái Bình Dương) bị lỗi trên 2 nhánh gồm S1.9 kết nối vào Malaysia và S8 kết nối với Thái Lan. Dự kiến sự cố trên nhánh S8 sẽ được khắc phục từ ngày 6/1 đến ngày 10/1. Sự cố trên nhánh S1.9 hiện vẫn chưa có thời gian khắc phục.

Tháng 5/2024, tuyến cáp quang biển AAE-1 đã gặp trục trặc ở hai nhánh S1H5 hướng kết nối đi Singapore và S1H3 nằm giữa trạm cập bờ Campuchia với Việt Nam. Đến ngày 31/12/2024, việc cấu hình lại nguồn sau sửa chữa nhánh S1H5 của tuyến cáp quang biển AAE1 đã hoàn thành, kết nối Internet quốc tế đi Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore đã khôi phục.

Việt Nam hiện có 5 tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế, bao gồm AAG (châu Á - Mỹ); APG (châu Á - Thái Bình Dương); SMW-3 (Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu); IA (Liên Á) và AAE-1 (châu Á - châu Phi - châu Âu). Năm tuyến này có tổng dung lượng sử dụng hơn 20 Tbps, tổng dung lượng khả dụng 34 Tbps.

Cả 5 tuyến cáp biển này đều kết nối ra phía Đông qua Biển Đông, từ 6 trạm cập bờ đặt tại Đà Nẵng, Vũng Tàu và Quy Nhơn.

Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm các tuyến cáp quang biển mà Việt Nam đang sử dụng gặp khoảng 15 sự cố. Giai đoạn trước năm 2022, thời gian sửa chữa cáp biển kéo dài từ 1 - 2 tháng/sự cố. Từ năm 2022 đến nay, thời gian khắc phục sự cố cáp biển đã kéo dài hơn.

Đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng mở rộng đoạn quốc lộ nối cầu Rạch Miễu

Đoạn Quốc lộ 60 dài 18 km được đề xuất mở rộng với tổng mức đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng nhằm hạn chế kẹt xe khi cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành.

Đoạn Quốc lộ 60 qua trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu thường xuyên ùn tắc dịp lễ, Tết

Đoạn Quốc lộ 60 qua trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu thường xuyên ùn tắc dịp lễ, Tết

Ngày 3/1, Sở Giao thông vận tải Bến Tre cho biết, đã có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để triển khai dự án trên trong giai đoạn 2026 - 2030, khi Dự án BOT cầu Rạch Miễu kết thúc.

5 năm trước, Dự án Nâng cấp, mở rộng 4 đoạn tuyến Quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu có tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng. Sau nâng cấp, 3 đoạn trên tuyến này vẫn còn khá nhỏ hẹp, mặt đường chỉ rộng 9 - 12 m. Theo thiết kế, 3 đoạn tuyến sau mở rộng sẽ có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.

Theo Sở Giao thông vận tải Bến Tre, hiện cầu Rạch Miễu đã quá tải với lưu lượng xe bình quân 20.000 lượt mỗi ngày đêm. Khi cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành vào tháng 9 năm nay, lượng phương tiện sẽ tiếp tục đông, tạo áp lực rất lớn lên Quốc lộ 60, nguy cơ ùn tắc giao thông vào cao điểm cuối tuần, lễ, Tết.

Rạch Miễu 2 là cầu thứ bảy bắc qua sông Tiền, sau Rạch Miễu, Hàm Luông (Bến Tre), Cổ Chiên (nối Bến Tre với Trà Vinh), Cao Lãnh (Đồng Tháp), Mỹ Thuận, Mỹ Thuận 2 (nối Vĩnh Long với Tiền Giang). Dự án có tổng mức đầu tư 5.200 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh hơn 6.800 tỷ đồng, dài 17,6 km, nối Tiền Giang với Bến Tre, khởi công tháng 3/2022.

Xe tải được phép lưu thông 2 chiều trên đèo Prenn từ ngày 4 - 24/1

Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng thống nhất cho phép tất cả các loại phương tiện giao thông, kể cả ô tô tải, được lưu thông 2 chiều trên đèo Prenn trong thời gian từ ngày 4/1 đến hết ngày 24/1.

Đèo Prenn sau khi được mở rộng

Đèo Prenn sau khi được mở rộng

Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng vừa có thông báo về việc phân luồng tổ chức giao thông trên đèo Prenn, cửa ngõ của TP. Đà Lạt về phía Nam, cho phép các phương tiện tham gia giao thông được lưu thông 2 chiều trên đèo Prenn, kể cả ô tô tải, từ ngày 4/1 đến hết ngày 24/1.

Trước đây, xe tải bị cấm lưu thông trên đèo này. Việc phân luồng này để phục vụ thi công Dự án Cải tạo, nâng cấp đoạn tuyến qua đèo Mimosa và một số công trình trên Quốc lộ 20 đoạn qua tỉnh Lâm Đồng. Dự án đang triển khai đoạn nền đường đào sâu từ 2 - 12m trên đèo Mimosa.

Nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án, đồng thời đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện giao thông, Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng thống nhất cho phép tất cả các loại phương tiện giao thông được lưu thông 2 chiều trên đèo Prenn trong thời gian trên.

Đèo Prenn dài 7,27 km, được đầu tư 552 tỷ đồng mở rộng gấp đôi với 4 làn ô tô, vận tốc thiết kế 60 km/h, hoàn thành đầu năm 2024. Đèo Mimosa dài hơn 10 km song hành đèo Prenn, đang được đầu tư 441 tỷ đồng nâng cấp, dự kiến hoàn thành năm ngoái, song chậm trễ do vướng mặt bằng.

Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E phải giải phóng mặt bằng xong trước 1/3/2025

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu phải bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Ban Quản lý dự án 4 trước ngày 1/3/2025 để triển khai thi công Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đảm bảo tiến độ.

Ngày 1/3/2025 là thời hạn cuối hoàn thành giải phóng mặt bằng Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E

Ngày 1/3/2025 là thời hạn cuối hoàn thành giải phóng mặt bằng Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam vừa đề nghị Bí thư Huyện ủy các huyện: Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn tập trung lãnh đạo, huy động cả hệ thống chính trị tại địa phương tiếp tục khẩn trương, tích cực vào cuộc, tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích bằng nhiều hình thức phù hợp; Chủ tịch UBND các huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt, kiên quyết hoàn thành dứt điểm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Ban Quản lý dự án 4 trước ngày 1/3/2025 để triển khai thi công Dự án đảm bảo tiến độ. Đây là thời hạn cuối cùng, không được chậm trễ.

Trong đó, ông Dũng yêu cầu khẩn trương giải quyết dứt điểm tình trạng “da beo” và bàn giao mặt bằng không liền thửa để đảm bảo điều kiện thi công. Đối với cầu vượt đường sắt, đề nghị Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình tập trung, quyết liệt chỉ đạo, khẩn trương tổ chức thực hiện, hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng khu vực này để khởi công xây dựng.

"Các trường hợp cố tình chây ì, không chấp hành theo phương án bồi thường đã được phê duyệt thì khẩn trương tổ chức bảo vệ thi công hoặc cưỡng chế thu hồi đất theo đúng quy định, đảm bảo thời gian nêu trên. Nếu địa phương nào không đảm bảo tiến độ thì chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND Tỉnh", ông Dũng chỉ đạo.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Quảng Nam yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra hiện trường, hướng dẫn giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của Dự án theo thẩm quyền; kịp thời tham mưu, đề xuất UBND Tỉnh chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện…

Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương sắp hầu tòa

Ông Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng đồng phạm bị cáo buộc vi phạm trong việc giao đất Khu đô thị biển Phan Thiết cho Công ty Rạng Đông, gây thiệt hại hơn 308 tỷ đồng.

Ông Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Ông Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Theo dự kiến, ngày 17/1, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội sẽ xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Dự án Khu đô thị biển Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

Trong số các bị cáo bị đưa ra xét xử có ông Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Xà Dương Thắng, cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, cựu Bí thư Huyện ủy Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận); Hồ Lâm, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận; Đỗ Ngọc Điệp, cựu Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết; Nguyễn Văn Phong, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận.

Theo cáo trạng, Công ty Regent International Overseas Corp (Hồng Kông, Trung Quốc) được Chính phủ đồng ý cho đầu tư Dự án Ocean Dunes Golf Club (sân golf Phan Thiết) với quy mô 62 ha.

Năm 2013, Công ty Rạng Đông mua lại toàn bộ cổ phần của Regent International Overseas Corp tại Công ty TNHH MTV Golf và Câu lạc bộ golf Phan Thiết với giá 2,5 triệu USD.

Tháng 11/2013, ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận, cho Công ty Rạng Đông kế thừa toàn bộ nghĩa vụ, quyền và lợi ích của chủ đầu tư cũ. Có giấy phép, Công ty Rạng Đông lại đề nghị chính quyền tỉnh xin chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị tại Dự án Ocean Dunes Golf Club.

Ngày 13/3/2014, ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký công văn báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét cho chủ trương về chuyển đổi mục đích sử dụng đất của sân golf Phan Thiết sang đất ở đô thị…

Tháng 3/2015, ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký giấy chứng nhận đầu tư (thay đổi lần thứ sáu) điều chỉnh nội dung đầu tư từ Dự án sân golf Phan Thiết thành Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.

Sau đó, ông Lê Tiến Phương và các bị can tại các sở, ngành, đơn vị liên quan đã thực hiện các hành vi vi phạm quy định pháp luật trong việc xây dựng, thẩm định phương án giá đất và phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất của Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tới tài sản nhà nước.

Giám định thể hiện, hành vi phê duyệt giá với hơn 10 ha đất ở quy hoạch nhà cao tầng tại Dự án trái quy định, gây thiệt hại hơn 154 tỷ đồng.

Việc định giá với hơn 25 ha nhà thấp tầng cũng trái pháp luật, gây thêm thiệt hại 154 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định các bị can trong vụ án đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 308 tỷ đồng.

Chuyên đề