Thương mại điện tử sẽ khó tránh thuế?

(BĐT) - Luật Quản lý thuế sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Song để thực hiện hiệu quả việc này đòi hỏi sự thay đổi về cách thức làm việc của các cơ quan có liên quan.
Tình trạng thanh toán bằng tiền mặt và không xuất hóa đơn là một trong những trở ngại với việc quản lý và thu thuế hoạt động thương mại điện tử. Ảnh: Nhã Chi
Tình trạng thanh toán bằng tiền mặt và không xuất hóa đơn là một trong những trở ngại với việc quản lý và thu thuế hoạt động thương mại điện tử. Ảnh: Nhã Chi

Tạo điều kiện để thu thuế thương mại điện tử

Luật Quản lý thuế sửa đổi đã chính thức được Quốc hội thông qua ngày 13/6 và đang chờ Chủ tịch nước ký Lệnh công bố. Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Bản Dự thảo cuối cùng của luật này cho thấy những thay đổi đáng kể về quản lý thuế thương mại điện tử, đòi hỏi các cơ quan chức năng có trách nhiệm phối hợp với ngành thuế để thu thuế với hoạt động này.

Cụ thể, Bộ Công Thương có trách nhiệm kết nối, cung cấp thông tin liên quan để phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử.

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử. Cơ quan này cũng có trách nhiệm thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán, hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử.

Các ngân hàng thương mại có nhiệm vụ khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam.

Đáng chú ý, luật này nêu nội dung về áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ với các cá nhân, doanh nghiệp. Việc lập hóa đơn điện tử không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. 

Kinh doanh online không phải “vô hình”

Trao đổi về khả năng thực thi việc thu thuế với thương mại điện tử, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế nói: “Chúng tôi mong chờ luật này được thực thi để quản lý hình thức kinh doanh online. Để làm được điều này không chỉ cần sự vào cuộc của ngành thuế mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ của các ngân hàng thương mại, Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp và tổ chức”.

Dù vậy, theo bà Lan, việc triển khai nội dung này vẫn còn khó khăn bởi đòi hỏi sự thay đổi về cách làm việc của nhiều cơ quan, đơn vị. Chẳng hạn, ngành ngân hàng phải thay đổi quy trình quản lý để cung cấp thông tin cho ngành thuế.

Ở khía cạnh khác, một trong những trở ngại với việc quản lý và thu thuế hoạt động thương mại điện tử là tình trạng thanh toán bằng tiền mặt. Trả lời về nội dung này, bà Lan nhấn mạnh: “Không chỉ quản lý các cá nhân kinh doanh online, mà ngay cả với các doanh nghiệp, cơ quan thuế vẫn phải đối mặt với việc mua bán trực tuyến nhưng thanh toán bằng tiền mặt và không xuất hóa đơn. Với các trường hợp này, cơ quan chức năng quản lý theo dòng tiền và các thông tin liên quan để xác định quy mô, hình thức kinh doanh và ấn định thuế. Trong nhiều trường hợp, cơ quan thuế không thể theo dõi từng đồng tiền vào - ra của người nộp thuế nhưng vẫn có cách để quản lý thuế”.

Cách quản lý này được hiểu là cơ quan thuế vẫn có được cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh. “Những doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh online vẫn có "gì đó" bên ngoài như kho hàng, địa điểm kinh doanh... Với nhiều trường hợp, kinh doanh online chỉ là một trong các kênh bán hàng. Chúng tôi vẫn đang quản lý những đối tượng như vậy. Họ không phải vô hình trên mạng”, bà Lan nói.

Ngoài ra, điểm đáng quan tâm là hóa đơn điện tử đang được đẩy mạnh thực thi. Theo bà Lan, đây cũng là cách để tăng cường quản lý thuế thương mại điện tử hiện nay.

Bên cạnh đó, một số nội dung tại Luật Quản lý thuế sửa đổi cũng góp phần quản lý những đối tượng trong nước phát sinh thu nhập được chi trả bởi các mạng xã hội và các trang web có trụ sở ở nước ngoài. Theo quy định, việc quản lý thuế với các đơn vị này sẽ thông qua văn phòng đại diện của họ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Facebook và Google là những trường hợp mang lại thu nhập lớn cho nhiều cá nhân tại Việt Nam, song chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Trao đổi về nội dung này, bà Lan nói: “Hiện tại, họ không có chi nhánh, văn phòng tại Việt Nam nhưng rõ ràng, họ thông qua các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam để điều hành. Đó là điều chúng ta đã biết và sẽ có giải pháp để khấu trừ thuế qua việc phối hợp giữa ngân hàng và ngành thuế”, bà Lan giải thích.

Chuyên đề