Tăng thuế VAT có tác động như thế nào?

(BĐT) - Trong hơn một năm qua, Bộ Tài chính liên tục đưa ra các đề xuất điều chỉnh tăng thuế suất của một số sắc thuế, từ thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng (VAT)... Và mỗi lần đề xuất tăng thuế là một lần Bộ Tài chính nhận được không ít ý kiến phản ứng.
Tăng thuế VAT làm ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của các hộ gia đình. Ảnh: Duyên Phan
Tăng thuế VAT làm ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của các hộ gia đình. Ảnh: Duyên Phan

Vậy, mức độ tác động của việc tăng thuế lên nền kinh tế và hộ gia đình như thế nào, và ai sẽ là người bị ảnh hưởng nhiều nhất?

Cân đối thu - chi kém hiệu quả

Về đề xuất của Bộ Tài chính, nhiều ý kiến thừa nhận rằng, việc tăng thuế là cần thiết, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, có nhiều khoản thu ngân sách nhà nước bị sụt giảm trong đó có dầu thô. Bên cạnh đó, với nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, nhiều sắc thuế về mức 0%. Nguồn viện trợ không hoàn lại đang có xu hướng giảm dần từ khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình. Nếu tiếp tục lạm dụng vay nợ thì gánh nặng nợ sẽ rất lớn.

Trong khi đó, thuế là nguồn thu ngân sách nhà nước lớn nhất, chiếm tới 75 - 80%. Điều này phản ánh gánh nặng thuế tương đối lớn của người dân. Do đó, việc cân nhắc mức tăng thuế suất như thế nào cho phù hợp là điều đáng bàn, bởi đây là việc đánh đổi giữa tăng ngân sách với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo, thay vì chỉ nghĩ đến việc “tận thu”.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn, sử dụng nguồn thu ngân sách để chi vào đâu là điều cần phải cân nhắc kỹ. Hiện chi thường xuyên chiếm tới 2/3 tổng chi ngân sách. Mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi tiêu nhưng thực tế, chi thường xuyên vẫn không giảm, trong khi chi đầu tư phát triển bị hạn chế, thậm chí giảm dần tính theo tỷ lệ so với GDP. Thâm hụt ngân sách của Việt Nam lên tới 6 - 7%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của nhóm nước ASEAN-5. Điều này thể hiện việc cân đối thu chi kém hiệu quả. Thu hầu như chỉ đủ cho chi thường xuyên và trả nợ. Việt Nam phải tăng cường vay nợ để có vốn chi cho đầu tư phát triển, kéo theo nợ công tăng cao. Mức nợ công của Việt Nam đã bắt đầu vượt ngưỡng tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Nếu không kiểm soát vay nợ, Việt Nam sẽ lún sâu vào nợ nần trước khi kịp “cất cánh”. 

Hai kịch bản tăng thuế VAT

Để đo lường mức độ tác động của việc tăng thuế lên nền kinh tế, Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra hai kịch bản tăng thuế VAT dựa trên chi tiêu bình quân và tỷ lệ nghèo ở Việt Nam.

Đại diện cho Nhóm nghiên cứu của VEPR, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành cho biết, kịch bản thứ nhất là tăng thuế VAT lên 1,2 lần, tức là các mặt hàng đang chịu thuế VAT 5% và 10% sẽ chịu thuế 6% và 12%. Kịch bản thứ hai là áp dụng mức thuế suất chung 10% cho các mặt hàng, theo đó các mặt hàng đang chịu thuế 5% sẽ chịu thuế 10%.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, mức tăng thuế suất lên 1,2 lần tác động tới hộ gia đình mạnh hơn so với mức tăng chung 10%. Ở kịch bản 1, chi tiêu hộ gia đình giảm đi 0,89%, trong khi kịch bản 2 là 0,32%. Tương ứng với 2 kịch bản, số người nghèo tăng lên từ những người ở ngưỡng cận nghèo lần lượt là 240.000 và 202.000 người. Các hộ gia đình đông người, có tỷ lệ trẻ em, người già trên 80 tuổi, lao động nữ cao hơn; chủ hộ có học vấn thấp và kỹ năng thấp, hộ làm việc trong nông nghiệp dễ rơi vào nghèo đói hơn các nhóm khác khi tăng thuế VAT.

Nguồn thu tăng thêm từ 2 kịch bản tăng thuế nêu trên nếu được sử dụng để đầu tư phát triển, thì thu ngân sách nhà nước tăng lần lượt là 4,9% và 2%, tổng đầu tư toàn xã hội tăng lần lượt là 1,7% và 1,8%, tổng thu nhập và tổng chi tiêu của hộ gia đình sẽ giảm đi hơn 0,9% và 1%. Tuy nhiên, mẫu số chung của cả 2 kịch bản này là sản lượng thực của nền kinh tế đều không tăng lên.

Nhưng nếu sử dụng nguồn tiền tăng thêm này để chi thường xuyên thì thu ngân sách nhà nước sẽ tăng thêm 4,5%. Tuy nhiên, chi tiêu của Chính phủ sẽ tăng thêm gần 7%, trong khi tổng đầu tư toàn xã hội chỉ tăng thêm 0,5%, tổng thu nhập và tổng chi tiêu của hộ gia đình sẽ giảm bớt đi hơn 0,9%. Do đó, sản lượng thực của nền kinh tế không những không tăng lên mà còn bị giảm bớt đi 0,13%.

Theo đánh giá của TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kết quả nghiên cứu này cùng một số nghiên cứu của tổ chức khác cho thấy, việc tăng thuế VAT làm tăng thu ngân sách là có nhưng không nhiều. Trong khi đó, tác dụng đối với tăng GDP là không có và còn gây mất công bằng xã hội hơn do người nghèo bị ảnh hưởng nhiều hơn, dù người giàu đóng thuế nhiều hơn.

Chuyên đề