Chiến tranh thương mại, vốn ngoại có rút khỏi Việt Nam?

(BĐT) - Theo Báo cáo Dòng vốn toàn cầu do Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa công bố, trong tháng 3 và đầu tháng 4/2018, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã được đẩy cao với việc Mỹ tăng thuế đánh vào 50 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc và ngay sau đó là sự trả đũa của Trung Quốc cũng với 50 tỷ USD hàng Mỹ. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Những động thái này ảnh hưởng ra sao đến dòng vốn đầu tư toàn cầu, trong đó có Việt Nam? 

Những dấu hiệu

Báo cáo của SSI nhận định, cuộc chiến thương mại đã không còn là ẩn số mà đã rõ ràng và có ảnh hưởng nhất định đến dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam.

Theo thống kê của EPFR Global, xu hướng rút vốn khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu của Việt Nam đã bắt đầu vào tuần thứ 2 của tháng 2, cùng thời điểm với sự sụt giảm của chứng khoán toàn cầu và kéo dài cho đến cuối tháng 3. Tuần đầu tháng 4, dòng tiền rót vốn nhỏ quay  lại, tương đồng với dòng tiền rót vốn gia tăng ở khu vực thị trường mới nổi châu Á.

Với những diễn biến và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam như tăng trưởng, cải cách kinh tế... diễn ra trong 2017 và những tháng đầu năm 2018 thì dòng vốn ngoại vào vẫn nhiều hơn ra. Vì vậy, vấn đề ở đây là việc Việt Nam nên ứng xử như thế nào để giảm thiểu rủi ro và tận dụng được những cơ hội lâu dài.
Thống kê dòng vốn của EPFR Global có sự liên hệ khá rõ với dòng vốn ở 3 quỹ hoán đổi danh mục (ETF) chính của Việt Nam: Tăng mạnh trong tháng 1 và bắt đầu giảm dần kể từ tháng 2. Tuy vậy, xét về quy mô thì giá trị dòng tiền rút vốn từ các ETF không lớn bằng giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên 2 sàn chứng khoán.

Tính từ 8/2/2018, ước tính đã có 1.300 tỷ đồng rút khỏi 3 ETF của VFM, Vaneck và Deutsche Bank, con số này bằng 36% tổng lượng vốn đổ vào 3 ETF từ đầu năm tính đến 7/2/2018. Trong khi đó giá trị bán, mua ròng khớp lệnh của nhà đầu tư nước ngoài trên 2 sàn HSX và HNX ở cùng giai đoạn là âm 3.700 tỷ đồng và 5.300 tỷ đồng. Cộng thêm giao dịch thỏa thuận, con số là âm 3.000 tỷ đồng và 9.500 tỷ đồng (đã loại giao dịch thỏa thuận đột biến trong ngày 7/2/2018).

Như vậy, có thể thấy có sự liên hệ khá rõ giữa dòng vốn, giá trị mua - bán ròng tại Việt Nam với các diễn biến trên thị trường thế giới. “Vẫn biết rằng câu chuyện của từng quốc gia là khác nhau, nhưng dường như trong thời gian qua Việt Nam không còn đủ sức nặng. Ngược lại, Thái Lan và Nam Phi đang đi ngược xu hướng, thu hút thêm vốn trong bối cảnh dòng vốn ở các quốc gia khác giảm sút”, SSI đánh giá. 

Tình hình dòng vốn ngoại ở Việt Nam

Cần tăng sự hấp dẫn của thị trường tài chính Việt Nam

Theo một số chuyên gia kinh tế, chiến tranh thương mại hiện nay chưa xảy ra, bởi Mỹ và Trung Quốc còn chờ đến tháng 7 năm nay, khi các tuyên bố về thuế mà hai nước dự kiến áp đặt mới có hiệu lực. Dự kiến còn nhiều thay đổi trong vòng 3 tháng tới, nhất là với Tổng thống Donald Trump, vốn được biết đến là người đưa ra các thay đổi rất nhanh chóng. Trong trường hợp nổ ra chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ hai phía.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, nếu chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra thì sẽ ảnh hưởng chung đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ phải tìm kiếm nơi an toàn và hấp dẫn hơn. Trong khi đó, thị trường tài chính của Việt Nam lại có quy mô nhỏ và không phải quá trọng yếu trong danh mục đầu tư của khối ngoại.

Tuy nhiên, theo ông Thành, với những diễn biến và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam như tăng trưởng, cải cách kinh tế... diễn ra trong 2017 và những tháng đầu năm 2018 thì dòng vốn ngoại vào vẫn nhiều hơn ra. Vì vậy, vấn đề ở đây là việc Việt Nam nên ứng xử như thế nào để giảm thiểu rủi ro và tận dụng được những cơ hội lâu dài. Câu trả lời là, Việt Nam cần tiếp tục cải cách, tạo ra sức hút từ câu chuyện tăng trưởng, vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước... để hấp dẫn nhà đầu tư.

Chuyên đề