Thủ tướng Anh Theresa May muốn thỏa thuận thương mại tốt nhất

Ngày 15/12, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết London đang nỗ lực để đảm bảo một thỏa thuận thương mại tốt nhất với Liên minh châu Âu (EU) trong khi giành lại quyền kiểm soát trong các vấn đề như nhập cư sau khi các lãnh đạo EU chính thức quyết định chuyển sang giai đoạn hai cuộc đàm phán về việc Anh rời EU, còn gọi là Brexit.
Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Anh Theresa May. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, bà May viết: "Chúng tôi sẽ thực hiện nguyện vọng của người dân Anh và có được thỏa thuận Brexit tốt nhất cho nước mình, đảm bảo quyền tiếp cận lớn nhất vào các thị trường của châu Âu, thúc đẩy thương mại tự do với các nước trên thế giới, và thực hiện kiểm soát đối với đường biên giới, luật pháp và tiền tệ của mình."

Thủ tướng Anh cũng bày tỏ cảm ơn tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.

Bà khẳng định: "Hôm nay là một bước đi quan trọng trên con đường hướng tới một Brexit suôn sẻ và trật tự, đồng thời củng cố quan hệ đối tác đặc biệt và sâu sắc giữa Anh và EU trong tương lai."

Thủ tướng May đưa ra tuyên bố trên sau khi các nhà lãnh đạo EU chính thức phê chuẩn quyết định khởi động giai đoạn tiếp theo trong các cuộc đàm phán về Brexit.

Trước đó, giai đoạn một cuộc đàm phán Brexit đã kết thúc với việc hai bên đạt thỏa thuận về các điều khoản "ly hôn," bao gồm vấn đề thanh toán tài chính, biên giới Ireland và quyền công dân sau Brexit.

Giai đoạn hai sẽ tập trung vào một quá trình chuyển tiếp và quan hệ thương mại giữa hai bên sau thời điểm Anh chính thức rời đi vào ngày 29/3/2019.

Các cuộc thảo luận về một giai đoạn chuyển tiếp nhằm làm yên lòng giới doanh nhân sẽ bắt đầu từ năm 2018, trong khi các cuộc đàm phán về một thỏa thuận tự do thương mại Anh-EU tương lai sẽ chỉ được khởi động sau tháng 3/2019.

Phát biểu về việc này, Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo giai đoạn tiếp theo sẽ còn khó khăn hơn giai đoạn đầu.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker và Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni cũng đã đưa ra cảnh báo tương tự.

Trong ngày làm việc thứ hai 15/12 và cũng là cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo đã sử dụng bản hướng dẫn chín điểm để ủng hộ lời kêu gọi của Thủ tướng May về một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài hai năm, nhằm giúp các doanh nghiệp và người dân Anh thích nghi với cuộc sống khi rời EU.

Tuy nhiên, các lãnh đạo tái khẳng định quan điểm của mình là Anh không thể ký đết thỏa thuận tự do thương mại nào với EU trước khi họ thực sự trở thành một "nước thứ ba."

Thủ tướng May đã đánh mất đa số của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử quốc hội tháng Sáu vừa qua và phải lãnh đạo một chính phủ chia rẽ sâu sắc trong khi tiến hành vòng đàm phán đầu tiên về Brexit.

Nhưng vòng đàm phán tiếp theo, mang tính quyết định hơn, sẽ là một "phép thử" khó hơn với bà May khi các bộ trưởng trong nội các của bà chưa thể chung một cách nhìn về việc nước Anh sẽ như thế nào sau Brexit./.

Chuyên đề