Một trong những câu chuyện thu hút sự quan tâm là lương tháng của chuyên gia tư vấn quốc tế cho các dự án vốn vay Nhật Bản, các quy định tạo điều kiện cho nhà thầu Nhật Bản, sự tham gia của nhà thầu Việt Nam vào các dự án này ra sao…
Lương chuyên gia dựa trên đấu thầu cạnh tranh
Đó là quan điểm của ông Konaka Tetsuo, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam trước thông tin liên quan đến mức lương chuyên gia Nhật Bản, các quy định tạo điều kiện cho các nhà thầu Nhật Bản.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Konaka Tetsuo cho biết: “Chúng tôi không có bản copy của báo cáo này vì vậy chúng tôi không thể bình luận về những nội dung đó. Nếu thực sự có một bản báo cáo như vậy, chúng ta có thể tránh được những hiểu lầm trong công chúng bằng cách tham khảo trước với các nhà tài trợ”.
Liên quan đến lương chuyên gia Nhật Bản tại các dự án này ở mức 700 triệu đồng/tháng với nhiều ý kiến nhận xét là quá cao và chiếm tỷ lệ quá mức cần thiết trong tổng chi phí sử dụng vốn vay Nhật Bản, vị Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam muốn đính chính cách hiểu và làm rõ là mức lương tháng trung bình được nêu này là không chính xác.
“Mức lương tháng thực tế sẽ được quyết định dựa trên đề xuất đấu thầu cạnh tranh. Chúng tôi có đưa ra hướng dẫn tính lương với mục đích để ước tính chi phí, nhưng mức này cũng không thể vượt quá mức lương chuyên gia tư vấn quốc tế cho các dự án vốn vay. Đồng thời, phía Việt Nam và JICA cùng xem xét vấn đề này rất cẩn trọng trong giai đoạn thẩm định”, ông Konaka chia sẻ và cho biết thêm: “Về tỷ trọng tư vấn, nói chung, không cao trong các dự án vay vốn ODA, vì vậy, nếu báo cáo cho rằng chi phí tư vấn gây tăng tổng vốn vay là không thỏa đáng. JICA đồng ý với quan điểm là Chính phủ Việt Nam nên thúc đẩy thêm sự tham gia của các tư vấn trong nước trong các dự án ODA ở Việt Nam”.
Số lượng các công ty Việt Nam luôn cao hơn số lượng các công ty Nhật Bản tham gia trong các hợp đồng từ JICA. Nguồn: Jica
Công khai nhưng đảm bảo cạnh tranh công bằng
Hiện có ý kiến cho rằng, phía Nhật nên tạo điều kiện một cách thực chất cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hợp đồng để cùng chia sẻ kinh nghiệm cho phía Việt Nam.
Về ý kiến này, JICA Việt Nam đưa ra số liệu cho thấy số lượng các công ty Việt Nam luôn cao hơn số lượng các công ty Nhật Bản tham gia trong các hợp đồng từ JICA trong các năm tài khoá từ 2010 đến 2016. “Số liệu này là bằng chứng cho thấy thông qua đấu thầu cạnh tranh trong các dự án ODA Nhật Bản, các công ty Việt Nam được huy động nhiều nhất”, ông Konaka nhấn mạnh. “Hơn nữa, ngay với những dự án theo Chương trình “Điều khoản đặc biệt dành cho đối tác kinh tế” (STEP), số công ty không phải công ty Nhật Bản cũng đã tham gia nhiều với tư cách nhà thầu phụ hoặc là các công ty đối tác liên doanh”.
Về hành lang pháp lý với vốn vay Nhật Bản, Luật Quản lý nợ công 2017 có hiệu lực (1/7/2018) đặt ra những quy định về việc tăng cường công khai, minh bạch quá trình thực hiện các dự án. Đây được coi là điểm tiến bộ trong công tác quản lý nợ công. Phía JICA khẳng định hoàn toàn đồng ý về việc Chính phủ Việt Nam tăng cường việc công bố thông tin và minh bạch, và luôn đảm bảo việc công bố và minh bạch thông tin, kể cả trong so sánh với các nhà tài trợ khác.
Theo đó, ngay khi mới thực hiện dự án, JICA đã công bố tên của các đơn vị đấu thầu thành công trong các báo cáo thường niên. Bên cạnh đó, bất cứ khi nào thông qua một dự án cho vay vốn ODA, JICA luôn công bố “Đánh giá tiền dự án/Ex-ante Evaluation Report” của dự án trên website ngay khi ký kết hiệp định vay vốn. Báo cáo này xác nhận những nét chính và kết quả dự kiến của dự án, đồng thời, để đảm bảo tính minh bạch của việc cho vay.
Hơn nữa, Báo cáo hậu dự án được thực hiện sau khi dự án hoàn thành để đánh giá liệu các kết quả dự tính và các mục tiêu đặt ra tại thời điểm làm đánh giá tiền dự án có đạt được hay không. Điều này cũng được công bố trên website của JICA.
“Chúng tôi ủng hộ mọi cải thiện về hệ thống của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng khi việc phân định những điều có thể tiết lộ và những điều cần giữ bí mật để đảm bảo cạnh tranh công bằng trong quá trình đấu thầu. Chẳng hạn, chúng tôi chỉ công bố tên của đơn vị trúng thầu sau khi ký hợp đồng; Báo cáo đánh giá tiền dự án sẽ đưa ra phác thảo về quy mô dự án và tiến độ thực hiện và tổng chi phí dự án”, ông Konaka Tetsuo nói rõ.