Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Sự có mặt của các nhà bán lẻ lớn trên thế giới cũng khiến cạnh tranh trong ngành này ngày càng gay gắt hơn. Lúc này, nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực bán lẻ bày tỏ kỳ vọng với nội dung đột phá của Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cuộc chiến không cân sức
Thống kê của bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho biết, số lượng DN ngành bán lẻ Việt Nam chiếm tỷ lệ rất lớn so với các lĩnh vực khác. Có đến 50% số lượng DN hiện nay có hoạt động bán lẻ. Hiện nay, chúng ta có 2 triệu cơ sở kinh doanh cá thể (hộ kinh doanh). Số hộ kinh doanh này tạo ra việc làm cho 3 triệu lao động. Tuy nhiên, khối DN FDI đang đầu tư ồ ạt vào các kênh bán lẻ hiện đại. Trong khi đó, kênh bán lẻ truyền thống lại có sức cạnh tranh yếu, thiếu chuyên nghiệp.
“Khảo sát của chúng tôi cho thấy, 36% DN đánh giá các chính sách về quản lý thị trường, thuế đối với mặt bằng kinh doanh là cản trở. 31% DN gặp khó khăn với cơ quan chính quyền địa phương. 53% DN gặp khó do không có gói vay phù hợp với đặc điểm ngành bán lẻ và 40% DN gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp. Cũng theo khảo sát này, 34% DN gặp khó khăn trong quản lý người lao động” - bà Trang chia sẻ.
Cảnh báo của các chuyên gia cho thấy, DN FDI có năng lực cạnh tranh tốt hơn ở tất cả các khía cạnh (nguồn cung, nguồn lực, thiết kế cửa hàng, marketing, chất lượng phục vụ, hậu mãi…). Đồng thời, DN FDI cũng hút nhân lực tốt của DN nội.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết, các DN bán lẻ có vốn FDI chỉ chiếm một số lượng rất nhỏ nhưng lại có doanh thu và hiệu quả lớn hơn nhiều so với mặt bằng chung. Thống kê cho thấy, doanh số bán ra tại 1 điểm bán lẻ của khối FDI cao gấp 3 - 4 lần, thậm chí gấp 7 - 8 lần so với doanh số 1 siêu thị nội.
“DN bán lẻ FDI đang tạo thành thế tấn công toàn diện, dồn dập, mạnh mẽ vào DN nội trong lĩnh vực này. DN FDI đang tung đòn tổng lực, đó là đại siêu thị đối chọi với những siêu thị lớn nội địa, chuỗi cửa hàng tiện ích đối chọi với các chợ truyền thống khiến chúng ta thực sự choáng váng” - bà Lan cảm thán.
Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa sẽ động lực lớn
“Chúng tôi đồng thuận cao những nội dung trong Dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng. Luật này cần được coi như khung pháp lý vững chắc cũng như tạo động lực để các tổ chức tín dụng cho các nhà bán lẻ nhỏ và vừa vay vốn” - bà Đinh Thị Mỹ Loan khẳng định.
Trong khi đó, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng, chưa nên bi quan quá mức về tình hình của các DN bán lẻ nội địa. “Chúng ta vẫn còn không gian chính sách để chúng ta tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Việt Nam là một nước đang chuyển đổi nên mọi hiệp định của chúng ta vẫn được các nước khác nhân nhượng. Do đó, Việt Nam nên chủ động thiết kế các chính sách cần thiết và có lợi cho DN hoặc các ngành sản xuất trong nước. Đồng thời, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ dành cho DN nhỏ và vừa đang dần được quan tâm đúng mức, thiết thực hơn. Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đang nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng DN cũng như sự quan tâm của Chính phủ” - bà Lan nhấn mạnh.