“Big 4” kiểm toán trúng sơ tuyển tại EVN

(BĐT) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa thông báo danh sách ngắn những nhà thầu trúng sơ tuyển 2 gói thầu tư vấn kiểm toán báo cáo tài chính năm 2018, 2019 tại EVN và các công ty con. 
Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đã từng trúng nhiều gói thầu kiểm toán tại các công ty điện lực. Ảnh: Thế Anh
Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam đã từng trúng nhiều gói thầu kiểm toán tại các công ty điện lực. Ảnh: Thế Anh

Các nhà thầu trúng sơ tuyển cả 2 gói thầu này đều có các “ông lớn” trong ngành kiểm toán thế giới thuộc nhóm “Big 4”: Công ty TNHH Deloitte Việt Nam; Công ty TNHH PWC Việt Nam; Công ty TNHH KPMG; Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam.

2 gói thầu nêu trên gồm: Gói thầu Cung cấp dịch vụ kiểm toán tại công ty mẹ Tập đoàn Điện lực, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Trung, Tổng công ty Điện lực miền Nam và Gói thầu Cung cấp dịch vụ kiểm toán tại Tổng công ty Phát điện 1, Tổng công ty Phát điện 2, Tổng công ty Phát điện 3, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội.

Theo thông tin EVN công bố, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam từng trúng Gói thầu Cung cấp dịch vụ kiểm toán tại Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và Tổng công ty Điện lực TP.HCM thuộc Dự án Cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015, 2016, 2017 (2,9 tỷ đồng).

Công ty TNHH Deloitte Việt Nam từng trúng thầu kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2016 của công ty mẹ Tập đoàn Điện lực và hợp nhất toàn Tập đoàn; từng trúng 2 gói thầu thuộc Dự án Tư vấn về quản trị tài chính năm 2015 của EVN là Gói thầu Tư vấn xây dựng bộ tài liệu quản trị hàng tồn kho (1,268 tỷ đồng) và Gói thầu Tư vấn xây dựng bộ tài liệu quản trị tài sản cố định (2,485 tỷ đồng)...

Vào cuối năm 2017, Bộ Tài chính đã ra quyết định truy thu 1.935 tỷ đồng do phát hiện EVN hạch toán sai một số khoản chi phí khiến doanh thu và lợi nhuận của năm 2015 - 2016 giảm.

Trong đó, tại Dự án Đường ống dẫn khí Phú Mỹ - TP.HCM (giai đoạn 2012 - 2015), năm 2015, EVN đã hạch toán vào chi phí hơn 1.341 tỷ đồng khoản chênh lệch cước phí vận chuyển nhưng lại báo cáo Bộ Công Thương xin Chính phủ phân bổ vào năm 2016 và 2017. Bộ Tài chính xác định, điều này là không đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. Để khắc phục sai phạm này, EVN phải kê khai bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2015 là 88,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế phải kê khai và nộp bổ sung 877,4 tỷ đồng.

Cùng với đó, EVN còn “quên” hạch toán hơn 4.847 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính năm 2016 - khoản lãi chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ của năm 2016.

Bộ Tài chính đã thanh tra, phát hiện sai sót này và yêu cầu EVN phải nộp 969,5 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2016. Với phần tiền còn lại 3.878 tỷ đồng, EVN không được chia lợi nhuận hoặc trả cổ tức.

Chuyên đề