Báo Đấu thầu có bài viết phản ánh về những tiêu cực liên quan đến công tác mua sắm trang thiết bị trường học tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bến Tre. Ảnh: Hoài Nam |
Vào cuộc quyết liệt
Trong hai năm 2016 và 2017, Báo Đấu thầu ghi nhận 2 sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại địa phương nhằm chấn chỉnh công tác đấu thầu. Cụ thể, năm 2017, sau khi Báo Đấu thầu có các bài viết phản ánh về những tiêu cực liên quan đến công tác mua sắm trang thiết bị trường học tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh Bến Tre đã có văn bản yêu cầu làm rõ các nội dung Báo nêu. Thực hiện yêu cầu này, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bến Tre đã nhanh chóng thành lập Đoàn kiểm tra kiểm tra đột xuất công tác tổ chức đấu thầu tại Sở GD&ĐT tỉnh này.
Theo Kết luận kiểm tra, Sở KH&ĐT kiến nghị UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân của chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu mua sắm trang thiết bị trường học từ năm 2011 đến nay, đã để xảy ra tình trạng nhà thầu “quen” thao túng. Đồng thời, trong thời gian tới, không giao nhiệm vụ cho Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre làm chủ đầu tư, bên mời thầu (kể cả các gói thầu thực hiện bằng nguồn vốn sự nghiệp GD&ĐT hàng năm). Đây được xem là biện pháp mạnh của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại địa phương này nhằm chấn chỉnh những tiêu cực trong hoạt động đấu thầu xảy ra trên địa bàn.
Trước đó, cũng từ những phản ánh của Báo Đấu thầu, Sở KH&ĐT Đồng Nai đã quyết định thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động đấu thầu đối với Gói thầu số 1 (thiết bị) thuộc Dự án Đầu tư trang thiết bị xây dựng trường chuẩn quốc gia do Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Cửu làm chủ đầu tư.
Tại Kết luận thanh tra, Đoàn thanh tra Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai đã chỉ ra rất nhiều tồn tại, yếu kém trong công tác đấu thầu của Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Cửu. Biện pháp cứng rắn được Sở KH&ĐT kiến nghị áp dụng sau đó là đơn vị này sẽ không được tiếp tục làm chủ đầu tư của Dự án.
Việc các địa phương mạnh tay “tước quyền chủ đầu tư” ghi nhận nhiều phản hồi tích cực từ các nhà thầu. Một nhà thầu chuyên cung cấp thiết bị giáo dục tại TP.HCM chia sẻ: “Chúng tôi rất mừng với những quyết định quyết liệt, đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại các địa phương. Công tác đấu thầu cần được giao về đúng đơn vị có chuyên môn và trách nhiệm thì mới đạt được hiệu quả cao nhất. Việc mạnh tay tước quyền những chủ đầu tư vi phạm, yếu kém chính là biện pháp cần thiết trong việc tạo ra một sân chơi đấu thầu cạnh tranh, minh bạch”.
Vi phạm vẫn phổ biến
Trái với sự vào cuộc quyết liệt của 2 địa phương nêu trên, tại nhiều địa phương hiện nay, nhiều vi phạm của các chủ đầu tư, bên mời thầu dù bị Báo Đấu thầu liên tục phản ánh, nêu tên, nhưng sự nhập cuộc của cơ quan quản lý là rất ít, thậm chí... bỏ ngỏ.
Báo cáo công tác đấu thầu năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích khá rõ hiện tượng này. Theo đó, những tồn tại, hạn chế của công tác đấu thầu thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là từ khâu thực thi chính sách khi các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu chưa được xử lý nghiêm, thậm chí nếu có xử lý thì xử lý hình thức, chiếu lệ.
Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu chia sẻ, điểm khác biệt lớn nhất trong đấu thầu các dự án sử dụng ngân sách nhà nước và đấu thầu các dự án sử dụng vốn vay của các nhà tài trợ là tính trách nhiệm trong xử lý vi phạm. Tại các dự án sử dụng vốn vay của các nhà tài trợ, chỉ cần nhà thầu hoặc dư luận phản ánh là có tiêu cực thì bộ phận giám sát của nhà tài trợ sẽ vào cuộc làm rõ. Nếu phát hiện có sai phạm, việc thay thế, tước quyền làm chủ đầu tư sẽ được triển khai ngay, tránh bị co kéo bởi các nhóm lợi ích.
Theo các chuyên gia, các hành vi tiêu cực trong đấu thầu ngày càng phổ biến có phần nguyên nhân từ việc thiếu quyết liệt, buông lỏng của cơ quan quản lý. Chính sự thiếu trách nhiệm, tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm của các cơ quan và cán bộ thực thi đã tạo điều kiện để những tiêu cực trong đấu thầu có “đất sống”.