Đấu thầu không thể là cuộc chơi minh bạch nếu bên mời thầu và nhà thầu có mối quan hệ “ruột”. Ảnh: Nhã Chi |
Tuy nhiên, dù những cặp bài trùng này có mối quan hệ như thế nào thì đích ngắm cuối cùng vẫn là dự thầu và trúng thầu.
Những cặp bài trùng
Trong đơn gửi Báo Đấu thầu, một nhà thầu tại tỉnh Tiền Giang đã cung cấp hàng loạt danh sách cặp bài trùng chủ đầu tư - nhà thầu trúng thầu trong suốt thời gian dài tại địa phương này. Theo đó, tất cả các gói thầu mua sắm trang thiết bị văn phòng trong khoảng 10 năm trở lại đây luôn được các chủ đầu tư giao cho chỉ 1 nhà thầu. “Đó là nhà thầu luôn trúng thầu ở đây. Các nhà thầu khác gần như không thể có cửa để bước vào bất kỳ một gói thầu nào. Bằng tất cả mọi cách, hồ sơ dự thầu (HSDT) của chúng tôi bị loại rất sớm để dọn đường cho nhà thầu này”, đại diện một nhà thầu bức xúc chia sẻ.
Đầu năm 2017, Báo Đấu thầu đã nêu câu chuyện Nhà thầu Minh Tường Phát và Nhà thầu P.P.U liên tục trúng thầu ở Bến Tre trong thời gian dài, với giá trúng thầu không cạnh tranh. hiện tượng này đã khiến UBND tỉnh Bến Tre vào cuộc kiểm tra toàn diện công tác đấu thầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre. Kết luận kiểm tra cho thấy, cặp bài trùng chủ đầu tư - nhà thầu này đã thực hiện rất nhiều gói thầu, với giá trúng thầu sát giá gói thầu.
UBND tỉnh Bến Tre cũng chỉ ra hàng loạt chiêu loại HSDT của các nhà thầu “không ruột” mà Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre đã sử dụng. Tình trạng này, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre – cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu tại địa phương này đã dẫn đến dư luận không tốt về công tác tổ chức đấu thầu tại Tỉnh.
Còn rất nhiều gói thầu khác mà chỉ cần kiểm tra dữ liệu về bên mời thầu và nhà thầu đã cho thấy sự “gắn bó” thâm niên. Không ít các trường hợp đã được Báo Đấu thầu phản ánh như: POSTEF thường xuyên trúng thầu trong nội bộ VNPT; Toàn Tâm thắng lớn khi dự thầu tại Điện lực Sóc Trăng; Công ty Công Tâm thường xuyên trúng thầu tại Công ty Lưới điện cao thế miền Trung...
Những thống kê trên chưa phản ánh hết tình trạng “nhà thầu quen”, bởi kỷ cương trong đấu thầu với nhiều bên mời thầu vẫn còn quá lỏng lẻo.
Cần phản ánh rộng rãi
Các chuyên gia về đấu thầu, các nhà quản lý đều cho rằng, cần phản ánh nhiều hơn những bên mời thầu và nhà thầu có quá trình gắn bó quá mật thiết lâu dài thông qua từng gói thầu cụ thể. Bởi điểm chung của những mối quan hệ này là giá trúng thầu rất sát giá gói thầu được phê duyệt; các nhà thầu lạ bị gây khó khăn khi tiếp cận HSMT và HSDT bị loại bởi nhiều lý do không phù hợp với quy định. Do đó, các thông tin về mối quan hệ khăng khít giữa bên mời thầu - nhà thầu trong đấu thầu cần được công khai nhiều hơn, phổ biến rộng rãi hơn để các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, giám sát.
“Tạo ra cơ chế độc quyền trong đấu thầu ảnh hưởng nhiều đến môi trường đầu tư kinh doanh của các nhà thầu, doanh nghiệp và chính địa phương để xảy ra sự việc. Nếu thiếu đi sự quyết liệt trong giám sát hoạt động đấu thầu của người có trách nhiệm, tình trạng “nhà thầu quen”, “nhà thầu ruột” sẽ triệt tiêu cạnh tranh bình đẳng trong đấu thầu”, một chuyên gia chia sẻ.