“Gọt” hồ sơ cho “vừa” nhà thầu quen

(BĐT) - Nhiều gói thầu đấu thầu rộng rãi nhưng nhìn vào hồ sơ mời thầu (HSMT) chưa đấu đã biết ngầm chỉ định cho nhà thầu nào, nhà thầu khác dù có đáp ứng năng lực, thậm chí đáp ứng tốt hơn vẫn khó có thể xỏ vừa chiếc giày đã được đo ni đóng sẵn cho nhà thầu quen.
“Gọt” hồ sơ cho “vừa” nhà thầu quen

Thông thường, những bộ HSMT đo ni đóng giày thường được chủ đầu tư cài vào nhiều điều kiện để chỉ 1 nhà thầu đáp ứng. Phóng viên Báo Đấu thầu đã gặp rất nhiều gói thầu chỉ mua sản phẩm rất thông dụng trên thị trường như máy tính, thiết bị giáo dục, đồ chơi cho trường mầm non, phần mềm kế toán,… nhưng đề bài đưa ra lại như đánh đố, ngầm chỉ định cho một nhà thầu, trong khi trên thị trường có hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp có thể cung ứng.

Những tiêu chí thường được vận dụng để loại nhà thầu “lạ” là yêu cầu về hợp đồng tương tự mang tính khu biệt; lấy luôn tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm do nhà thầu ruột cung cấp; hay những tiêu chí “trời ơi đất hỡi” mà khi kết hợp với các tiêu chí cài cắm khác lại thành yêu cầu khiến các nhà thầu khác dù năng lực có thừa cũng phải lắc đầu chào thua…

Báo Đấu thầu đã từng phản ánh về một gói thầu xây dựng giải pháp phát triển phần mềm kế toán của 1 đơn vị thuộc PVN yêu cầu nhà thầu phải có hợp đồng tương tự thực hiện với đơn vị trong ngành dầu khí. Cùng với điều kiện hợp đồng tương tự mang tính khu biệt, HSMT gói thầu này còn đưa nguyên tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm của 1 doanh nghiệp mà không có yêu cầu tương đương. Và kịch bản chắc chắn là doanh nghiệp này có tham dự thầu và là nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Trường hợp khác, HSMT quy định nhà thầu phải có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh hoặc trung tâm bảo hành tại địa phương để đảm nhận công tác bảo hành, bảo trì sản phẩm.

Thậm chí có chủ đầu tư đưa cả tiêu chí có bằng khen X, Y, Z nào đó vào tiêu chí để đánh giá đạt/không đạt. Sở GD&ĐT của 1 tỉnh trong HSMT gói thầu mua máy tính đã đưa điều kiện “Máy tính thương hiệu Việt Nam đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao do Bộ Công Thương trao tặng” vào các tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm và năng lực của nhà thầu. Một số nhà thầu đạt các danh hiệu, giải thưởng uy tín khác, như Giải thưởng Doanh nghiệp máy tính thương hiệu Việt Nam xuất sắc nhất do Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng; Giải thưởng 1000 sản phẩm tiêu biểu;… đều phải chào thua tiêu chí này.

Nhìn vào những bài thầu này thì đấu thầu rộng rãi đã trở thành chỉ định thầu, và chủ đầu tư chủ ý không chọn nhà thầu đáp ứng tốt nhất yêu cầu gói thầu mà thông qua đấu thầu hình thức để loại nhà thầu lạ, dọn đường cho nhà thầu ruột. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo ra lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.

Theo nhiều chuyên gia, một khi đã bị chi phối bởi lợi ích nhóm, bởi hối lộ, tham nhũng, chủ đầu tư và nhà thầu ruột sẽ tìm mọi cách để biến HSMT thành một cái khóa chỉ có duy nhất một chìa. Cách tốt nhất là nhà thầu phải tự trang bị đầy đủ hiểu biết về pháp luật đấu thầu, để phát hiện và đề nghị chủ đầu tư làm rõ, chỉnh sửa kịp thời những tiêu chí từ lộ liễu đến tinh vi được cài cắm trong HSMT.

Chuyên đề