Trong hơn 20 năm qua, TP.HCM đã đầu tư rất nhiều nguồn lực cho hệ thống kênh, sông. Ảnh: Nhã Chi |
Nhiều đại dự án cho hệ thống kênh, sông
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, trong hơn 20 năm qua, TP.HCM đã đầu tư rất nhiều nguồn lực cho hệ thống kênh, sông bằng hàng loạt đại dự án.
Trong giai đoạn từ năm 1995 - 2018, Thành phố đã triển khai thực hiện các dự án kè bờ kênh nội thành như: Dự án Vệ sinh môi trường Thành phố - Giai đoạn 1 (kè bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè). Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài khoảng 10 km, lưu vực thoát nước đảm nhận là 3.324 ha. Dự án có tổng mức đầu tư là 317 triệu USD, tương đương 5.660 tỷ đồng (thời giá 1 USD = 17.867 đồng). Trong đó, vốn ODA là 294 triệu USD tương đương 5.252 tỷ đồng; vốn đối ứng là 23 triệu USD tương đương 408 tỷ đồng.
Dự án Cải thiện môi trường nước - Giai đoạn 1 (kè bờ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé) với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng, trong đó Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ hơn 3.000 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách gần 1.000 tỷ đồng.
Dự án thành phần số 4 “Cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm” (kè bờ kênh Tân Hóa - Lò Gốm) có tổng vốn đầu tư là 167 triệu USD. Với diện tích lưu vực khoảng 19 km2, kênh dài khoảng 6,8 km bắt đầu từ khu Bàu Cát - quận Tân Bình đến kênh Lò Gốm chảy qua Quận 6, Quận 11, quận Tân Bình, quận Tân Phú.
TP.HCM nhận định, các đại dự án này đều liên quan mật thiết đến việc phát triển, cải tạo, nâng cấp hệ thống sông, kênh, bờ kè sông Sài Gòn và giúp Thành phố thay đổi diện mạo rất lớn.
Còn trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, từ năm 1995 - 2018, Thành phố đã đầu tư và giao cho các quận, huyện thực hiện các tuyến bờ bao nội đồng với tổng cộng 559 hạng mục công trình, tổng chiều dài đạt trên 487 km.
Kết hợp hình thành các dự án PPP
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, về cơ bản, hơn 20 năm qua, Thành phố đầu tư cho hệ thống kênh, bờ kè dọc sông đều huy động từ nguồn ngân sách nhà nước. “Nhưng về lâu dài và để khai thác tốt giá trị của hệ thống sông, kênh rạch, cần sự chung tay của khu vực tư nhân, thông qua các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) cụ thể”, ông Nhân khẳng định.
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết, từ năm 2015, Công ty Đại Quang Minh đề xuất xây dựng 7,2 km bờ kè dọc sông Sài Gòn, đoạn bao quanh Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng theo hình thức BT, vừa góp phần tạo cảnh quan đô thị vừa hạn chế sạt lở và nâng cao hiệu quả sử dụng đất phía sau kè.
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM được giao tổ chức lập Đề án "Nghiên cứu giải pháp khai thác tiềm năng lợi thế về tự nhiên, cảnh quan và môi trường sông Sài Gòn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thành phố”. Nội dung Đề án là rà soát hiện trạng sử dụng đất hai bên bờ sông, xác định những khu vực do Nhà nước quản lý, đất của người dân đang sử dụng để lên phương án khai thác hợp lý; đề xuất giải pháp thu hút các nguồn lực đầu tư để tạo nguồn lực thực hiện quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc tổ chức, tạo lập không gian cảnh quan bờ sông đảm bảo mỹ quan, hiệu quả và bền vững.
Qua đó cho thấy, giữa nhu cầu thực tiễn đầu tư với mong muốn quản lý của Nhà nước đã có những điểm chung, có thể kết hợp để hình thành các dự án PPP, thực thi chính sách xã hội hóa góp phần cải tạo bộ mặt đô thị ven sông.
Thể hiện quyết tâm đồng hành cùng nhà đầu tư, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu họp giao ban tiến độ dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Trung Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Dự án về đích đúng tiến độ. “Ngoài việc tạo niềm tin cho nhà đầu tư, chúng ta cần chứng minh, dự án này là nỗ lực của TP.HCM trong việc phát triển hệ thống sông, kênh rạch. Nguồn nước của TP.HCM sẽ phát huy đúng giá trị kinh tế của nó cho Thành phố, cho nhà đầu tư và cho mỗi người dân”, ông Nhân cho biết.