Nhà thầu thi công chậm khiến tiến độ công trình cải tạo bãi chôn lấp rác thải của thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: Thanh Hào |
Mới thực hiện được 31% khối lượng công việc
Ngày 23/12/2016, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa - chủ đầu tư Dự án ký Hợp đồng số 05/2016/HĐ-XD với Liên danh AE - Thịnh Toàn là nhà thầu trúng thầu thực hiện gói thầu nêu trên. Giá trúng thầu là 20,179 tỷ đồng, loại hợp đồng trọn gói (giá gói thầu là 20,209 tỷ đồng) với thời gian thực hiện hợp đồng là 6 tháng kể từ ngày Chủ đầu tư bàn giao mặt bằng. Đến giữa năm 2017, Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa có biên bản bàn giao mặt bằng thi công xây dựng cho Liên danh, nghĩa là Gói thầu sẽ phải hoàn thành và bàn giao cho Chủ đầu tư vào ngày 31/12/2017. Tuy nhiên, hết thời gian yêu cầu, Liên danh AE - Thịnh Toàn vẫn không thể hoàn thành Hợp đồng. Tiếp đó, Chủ đầu tư đã gia hạn thêm 6 tháng (đến 01/6/2018) để các nhà thầu hoàn thành Gói thầu. Cùng với đó, Chủ đầu tư cũng cho phép Liên danh AE - Toàn Thịnh để nhà thầu phụ là Công ty CP Kinh tế môi trường Giang San vào cùng thực hiện, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, đến nay, gói thầu nêu trên mới chỉ thực hiện được 31% khối lượng công việc theo Hợp đồng. “Gói thầu số 4 là gói thầu chính thuộc Dự án, nên việc chậm trễ tiến độ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện Dự án”, ông Đỗ Ngọc Việt, Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.
Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Các nhà thầu trên đã vi phạm nghiêm trọng Hợp đồng ký kết với Sở. Theo đó, Sở thông báo chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu này”.
Về lý do nhà thầu vi phạm, đại diện Chủ đầu tư cho biết, nhà thầu đưa ra nhiều lý do khác nhau, trong đó tập trung chính vào việc mất ổn định của hệ thống điện nơi thực hiện Gói thầu gây hỏng hóc máy móc, thời tiết không ủng hộ…
Nhà thầu có năng lực thấp?
Với việc các nhà thầu không thể hoàn thành Hợp đồng, những nghi vấn về năng lực nhà thầu trúng thầu đã được đặt ra. Một số ý kiến thẳng thắn cho rằng, phải chăng năng lực của các nhà thầu quá yếu?
Trao đổi về nội dung này, ông Việt cho biết: “Liên danh AE - Toàn Thịnh trúng thầu thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Theo hồ sơ dự thầu, Liên danh trúng thầu có năng lực, đảm bảo hoàn thành tốt yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT). Song trong quá trình thực hiện, Liên danh đã không đáp ứng được yêu cầu của Hợp đồng”.
Trước đó, dư luận cho rằng, Dự án chậm trễ là do có dấu hiệu Chủ đầu tư thông thầu với doanh nghiệp “chết yểu”. Cụ thể là Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa thay vì đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà thầu thì ngày 23/12/2016 đã lén lút ký hợp đồng với Liên doanh AE - Thịnh Toàn để thực hiện Gói thầu số 4…
Khẳng định với Báo Đấu thầu rằng đó chỉ là những thông tin bịa đặt, ông Việt nhấn mạnh: “Không có sự khuất tất nào trong việc lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 4. Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cũng không phải là đơn vị lập HSMT Gói thầu số 4, mà thuê đơn vị tư vấn thực hiện một cách khách quan”.
Về kế hoạch hoàn thành Gói thầu, ông Việt cho biết, hiện Sở TN&MT Thanh Hóa đang lên kế hoạch lựa chọn nhà thầu thay thế. Dự kiến, sẽ đấu thầu hạn chế, theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ nhằm loại bỏ được những nhà thầu yếu kém, không phù hợp để có thể hoàn thành được Dự án.