Ông Dương Ngọc Minh đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất để tái cơ cấu công ty thủy sản vốn được coi là "vua cá tra" của Việt Nam |
Phiên giao dịch ngày đầu tháng 8 âm lịch (10/9/2018), cổ phiếu HVG của Công ty Cổ phần Thủy sản Hùng Vương tiếp tục tăng mạnh 5,91% lên 4.120 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp của mã này, hai phiên trước đó, HVG đều tăng trần.
Tại mức giá hiện tại, HVG đã tăng giá tới 70,25% so với mức đáy 2.420 đồng của ngày 5/7. Theo đó, chỉ trong vòng hơn 2 tháng, tài sản của ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thủy sản Hùng Vương đã tăng 147,7 tỷ đồng, đạt gần 358 tỷ đồng.
Vừa rồi, sau khi được Kiểm toán soát xét lại, báo cáo tài chính bán niên của Thủy sản Hùng Vương lỗ thêm 115 tỷ đồng, lỗ sau thuế tăng lên 379,8 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do doanh thu thuần của công ty bị điều chỉnh giảm từ mức 5.281 tỷ đồng xuống còn 4.993 tỷ đồng. Trong khi đó, phần lợi nhuận từ công ty liên kết, liên doanh lại đổi từ lãi hơn 11 tỷ đồng thành lỗ 11 tỷ đồng. Thêm vào đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt hơn 56 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Lỗ lũy kế của Hùng Vương theo đó tăng lên mức 697,3 tỷ đồng.
Cùng với việc nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn 749,8, công ty của đại gia Dương Ngọc Minh lại bị kiểm toán viên nêu ý kiến nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục. Trong khi đó, HVG vẫn tiếp tục bị HSX giữ nguyên diện kiểm soát từ 31/3/2018.
Đáng nói là trong thời gian gần đây, HVG không những tăng giá mà thanh khoản còn ở mức cao. Khối lượng khớp của HVG trong phiên giao dịch đầu tuần này đạt 1,17 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, thị trường chung lại có sự chùng lại đáng kể, đặc biệt là vào phiên giao dịch chiều. Cho đến thời điểm chốt phiên 10/9, số mã giảm trên sàn HSX vẫn tiếp tục giữ ưu thế so với số mã tăng.
Có 152 mã giảm so với 132 mã tăng giá trên sàn này, qua đó kéo biên độ tăng của VN-Index bị thu hẹp lại còn 1,44 điểm tương ứng 0,15%, VN-Index kết phiên tại 970,34 điểm.
Trong khi đó, HNX-Index quay đầu giảm 1,01 điểm tương ứng 0,91% còn 110,69 điểm do có tới 94 mã giảm so với 55 mã tăng giá.
Thị trường đang cho thấy có sự lệ thuộc đáng kể vào những mã có vốn hóa lớn. Riêng trong phiên này, một mình VIC của Vingroup đã góp vào cho VN-Index tới 2,1 điểm. Ngoài ra, PLX, TCB, STB… cũng có tác động tích cực lên VN-Index.
Ngược lại, MSN giảm 3.500 đồng lại góp phần kéo lùi chỉ số sụt 1,28 điểm. VPB, CTG, HPG, VHM, MBB… giảm cũng phần nào khiến triển vọng thị trường trở nên khó khăn hơn.
Với việc không nhóm ngành nào thực sự bứt phá trong phiên giao dịch này, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, thị trường vẫn chưa cho thấy được sức mạnh cần thiết để bứt phá, và do vậy xu hướng tăng vẫn chưa thể được thiết lập.