Ảnh Internet |
Cùng với đó, quy trình về thực hiện dự án BT đang được TP.HCM gấp rút hoàn thiện với kỳ vọng khơi thông nguồn lực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực thể thao, văn hóa.
Anh tài hội tụ đầu tư nhà thi đấu
Theo Đề án trình Thủ tướng Chính phủ, ngoài 22 địa điểm là các sân vận động, nhà thi đấu cần phải đầu tư nâng cấp với chi phí hơn 200 tỷ đồng, TP.HCM sẽ phải chi thêm 15.600 tỷ đồng cho 2 công trình lớn là Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng và nhiều công trình khác để đăng cai SEA Games 31.
Theo đó, từ nay đến năm 2021, TP.HCM sẽ tập trung xây dựng hoàn thành các công trình lớn gồm Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng, với tổng vốn đầu tư 1.954 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP (hợp đồng BT) và dự kiến công trình này sẽ được khởi công đầu năm 2018, và hoàn thành cuối năm 2020.
Ba khu đất được xác định sẽ đổi lấy công trình này để hoàn vốn cho nhà đầu tư gồm các địa chỉ 257 Trần Hưng Đạo, 3 và 3bis Phan Văn Đạt, Quận 1. Ngoài ra, Thành phố còn yêu cầu các sở ngành tham mưu thêm quỹ đất khác, như khu đất 3 ha tại Trường đua Phú Thọ, Quận 11. Dự án này đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư tiềm lực như Phát Đạt, Thuận Việt…
Còn đối với Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc tại phường An Phú, Quận 2 cũng đang được lên kế hoạch đầu tư với 12 hạng mục chính với tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và giải phóng mặt bằng lên đến hơn 8.000 tỷ đồng. Tại dự án này, TP.HCM đã có chủ trương cho phép nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư xây dựng sân vận động 50.000 chỗ có đường chạy điền kinh với kinh phí khoảng 3.125 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý I/2021. Hiện 2 công ty tư vấn Sasaki (Mỹ) và HTT đã trình phương án thiết kế, đang chờ quyết định từ UBND TP.HCM. Hai nhà đầu tư này sẽ tự ứng vốn khi xây dựng phương án thiết kế.
Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư
Được biết, riêng Dự án Khu liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, trước đó đã có bốn nhà đầu tư là Nutifood, Thái Sơn Nam, Tập đoàn J-CODE (Nhật Bản) và Vietnam Sports Platform (Hàn Quốc) muốn tham gia đầu tư. Theo đánh giá của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, đây là những động thái rất đáng mừng, cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư đối với các dự án PPP trong lĩnh vực thể dục, thể thao, văn hóa. Sở này cũng kỳ vọng, tiến triển thuận lợi của Dự án Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng, Rạch Chiếc sẽ mở đường cho nhiều công trình hạ tầng thể thao được xây dựng mới trong thời gian tới bằng nguồn lực tư nhân.
Ngày 11/1/2018, trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM cho biết, đơn vị này đang gấp rút hoàn thiện quy trình mới về việc triển khai dự án PPP, đặc biệt là các dự án thực hiện theo loại hợp đồng BT. “Thời gian qua, TP.HCM đã yêu cầu tạm dừng đàm phán tất cả các dự án BT để hoàn thiện quy trình mới. Sở KH&ĐT đã làm việc với các doanh nghiệp để thông tin rõ ràng, ghi nhận những ý kiến, đề xuất từ phía nhà đầu tư để từ đó xây dựng quy trình dễ dàng trong quản lý, bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư”, Sở này cho biết.
Đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM khẳng định, tại TP.HCM, dự án PPP triển khai hiệu quả ở rất nhiều lĩnh vực. Trong đó, văn hóa, thể thao cũng như du lịch thực sự nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Do đó, Sở sẽ nỗ lực xây dựng quy trình làm dự án BT bảo đảm khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai và tài sản nhà nước; công khai, minh bạch nhưng phải thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.