Sẽ làm rõ trách nhiệm thống kê của các bộ, ngành

(BĐT) - Tại Hội nghị thống kê bộ, ngành năm 2018 diễn ra ngày 10/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thống kê có vai trò ngày càng trở nên quan trọng và đạt được nhiều thành tựu. Những quyết sách về xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đều có sự đóng góp rất lớn của ngành thống kê.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị thống kê bộ, ngành năm 2018. Ảnh: Lê Tiên
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị thống kê bộ, ngành năm 2018. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều phân tích, dự báo thống kê chất lượng

Thông tin thống kê của các bộ, ngành cùng với thông tin của hệ thống thống kê tập trung là nguồn thông tin chính thống, có tính pháp lý, là cơ sở để đánh giá, phân tích, dự báo tình hình kinh tế - xã hội của cả nước và của từng ngành, từng lĩnh vực, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự quản lý, điều hành của các bộ, ngành...

Theo tổng kết của Tổng cục Thống kê, đến nay, có 22 bộ, ngành đã ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, trong đó 15 bộ, ngành hoàn thành rà soát và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê đồng bộ với Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia quy định trong Luật Thống kê 2015. Có 21 bộ, ngành ban hành chế độ báo cáo thống kê bộ, ngành, trong đó 11 bộ, ngành đã rà soát, cập nhật, ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành phù hợp với Luật Thống kê 2015 và hệ thống chỉ tiêu thống kê mới của bộ, ngành.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thông tin, đến cuối năm 2015, trong số 206/350 chỉ tiêu thống kê quốc gia được thực hiện theo Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg, các bộ, ngành đã thu thập, tổng hợp, công bố đầy đủ 82 chỉ tiêu, 20 chỉ tiêu được tổng hợp toàn bộ nhưng mới công bố được một số phân tổ, 23 chỉ tiêu được tổng hợp toàn bộ nhưng chưa công bố, 51 chỉ tiêu chưa được tổng hợp đầy đủ, 30 chỉ tiêu chưa được thu thập. Các bộ, ngành đã tổ chức thực hiện tốt các cuộc điều tra được phân công trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia.

Công tác phân tích và dự báo thống kê được tăng cường. Đã có 6 bộ, ngành hình thành đơn vị chuyên trách về phân tích và dự báo. Riêng Tổng cục Thống kê đã thành lập Tổ phân tích và dự báo thống kê. Nhiều báo cáo phân tích, dự báo có chất lượng được cơ quan này biên soạn và công bố. 

Các bộ, ngành chưa thống kê nhiều chỉ tiêu quan trọng

Trong những năm qua, các bộ, ngành đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực thực hiện các hoạt động của Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (viết tắt là Chiến lược), đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thống kê 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đến nay, 19 bộ, ngành đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược thuộc phạm vi quản lý; các bộ, ngành đã triển khai thực hiện tất cả 40 hoạt động được giao, trong đó 22 hoạt động đã hoàn thành và 18 hoạt động đang tiếp tục thực hiện.

Luật Thống kê 2015 quy định 186 chỉ tiêu thống kê quốc gia, trong đó 79 chỉ tiêu phân công cho 21 bộ, ngành chủ trì thu thập, tổng hợp. Đến thời điểm hiện nay, các bộ, ngành đã thu thập, tổng hợp được 63/79 chỉ tiêu ở các mức độ phân tổ khác nhau, trong đó 34 chỉ tiêu đầy đủ các phân tổ; 29 chỉ tiêu đã thu thập, tổng hợp nhưng chưa đầy đủ; 16 chỉ tiêu chưa thực hiện.

Đối với việc xây dựng, sửa đổi hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo thống kê, đến nay 15 bộ, ngành đã sửa đổi, ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành mới và 11 bộ, ngành ban hành chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành phù hợp với Luật Thống kê 2015.

Qua các số liệu báo cáo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, vẫn còn nhiều bộ, ngành để tồn đọng, chưa thống kê những chỉ tiêu hết sức quan trọng; vẫn còn 2 bộ (Ngoại giao và Nội vụ) chưa thành lập phòng thống kê theo quy định của Luật Thống kê năm 2015.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, phải làm rõ những tồn tại này và phải có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về thực trạng của việc thực hiện các quy định về thống kê của các bộ, ngành đến đâu. Cùng với đó, trách nhiệm của các bộ, ngành trong thời gian tới trong việc thực hiện công tác thống kê, Luật Thống kê cũng cần được làm rõ.

Thời gian tới, Chính phủ giao cho Tổng cục Thống kê và ngành thống kê nhiều đề án lớn, quan trọng như: báo cáo các nguồn lực đất nước đến năm 2020; tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát; hàng năm thực hiện thu thập và công bố Bộ chỉ số phát triển doanh nghiệp… Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Tổng cục Thống kê cần làm tốt công tác thu thập, phân tích, công bố số liệu liên quan đến các đề án quan trọng này.

Bên cạnh công tác thống kê, báo cáo thống kê trước đây, Tổng cục Thống kê cần phải làm tốt hơn, nghiên cứu để biến số liệu thành thông tin biết nói. “Đằng sau con số thống kê nói lên điều gì thì cần phải có phân tích đánh giá, dự báo. Tổng cục Thống kê cũng cần phải có những kiến nghị, đề xuất của cơ quan thống kê đối với những số liệu báo cáo, thống kê của mình”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chuyên đề