Bản tin thời sự sáng 30/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nắng nóng gay gắt, tiêu thụ điện tăng vọt gần 1 tỷ kWh/ngày; hoàn thành 2 cầu đi bộ kết nối Metro Bến Thành - Suối Tiên; Hà Tĩnh không còn huyện Lộc Hà sau sáp nhập; cánh quạt điện gió tại Gia Lai gãy gập khi đang bảo dưỡng…

Nắng nóng gay gắt, tiêu thụ điện tăng vọt gần 1 tỷ kWh/ngày

Trong những ngày cuối tháng 4, thời tiết nắng nóng gay gắt khiến tiêu thụ điện toàn quốc lên cao kỷ lục, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khuyến cáo sử dụng điện tiết kiệm.

Sản lượng tiêu thụ toàn quốc ngày 26/4 đã lên tới 993 triệu kWh

Sản lượng tiêu thụ toàn quốc ngày 26/4 đã lên tới 993 triệu kWh

Trong những ngày cuối tháng 4, thời tiết nắng nóng gay gắt diễn ra ở cả 3 miền đã làm tiêu thụ điện toàn quốc tăng cao kỷ lục. Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, cả công suất cực đại (Pmax) và sản lượng điện tiêu thụ điện ngày trên quy mô toàn quốc đã tăng cao với những con số đạt kỷ lục mới của hệ thống điện quốc gia.

Cụ thể, vào lúc 13h30 ngày 27/4, công suất cực đại toàn quốc đã lên tới 47.670 MW. Sản lượng tiêu thụ toàn quốc ngày 26/4 đã lên tới 993 triệu kWh.

Riêng đối với khu vực miền Bắc, EVN cho biết, do đây mới chỉ là đợt nóng gay gắt đầu tiên diễn ra nên tiêu thụ điện miền Bắc mặc dù tăng cao so với trước đó, nhưng vẫn chưa tới mức đỉnh đã từng được ghi nhận trong quá khứ. Như vậy, tiêu thụ điện ở miền Bắc khả năng cao còn tiếp tục tăng lên trong những đợt nóng sắp tới của mùa hè năm nay.

EVN cho biết, với việc kinh tế từng bước được phục hồi, đồng thời dự báo nền nhiệt độ tăng cao, nắng nóng xuất hiện sớm tại cả 3 miền nên nhu cầu điện tăng trưởng cao hơn so kế hoạch đầu năm.

Theo đó, Tập đoàn đã cập nhật tính toán kế hoạch cung ứng điện và vận hành hệ thống điện năm 2024 và kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (các tháng 4 - 7) của năm 2024 và được Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh.

EVN đã chỉ đạo lập phương thức, điều hành hệ thống điện và thị trường điện tối ưu; xây dựng các kịch bản cung ứng điện, cập nhật, các yếu tố về sản xuất điện, nhu cầu phụ tải, diễn biến thuỷ văn để chủ động lập, điều chỉnh kế hoạch vận hành hệ thống điện. Huy động tối ưu các nguồn điện, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc và điều tiết giữ nước các hồ thuỷ điện ở mức nước cao để chuẩn bị cung ứng điện cho cả mùa khô…

Ngoài ra, đàm phán để tăng cường nhập khẩu điện từ các quốc gia lân cận, trong đó tiếp tục đàm phán với các đối tác tại Lào để tăng nhập khẩu điện về Việt Nam qua khu vực Nghệ An, Quảng Trị.

Hoàn thành 2 cầu đi bộ kết nối Metro Bến Thành - Suối Tiên

Hai cầu đi bộ kết nối ga Khu Công nghệ cao và Bình Thái của Metro số 1 (TP.HCM) đã hoàn thiện kiến trúc, cơ điện…, dự kiến khai thác quý IV năm nay khi dự án vận hành.

Cầu đi bộ qua ga Khu Công nghệ cao

Cầu đi bộ qua ga Khu Công nghệ cao

Thông tin được Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - Chủ đầu tư) cho biết, sau gần 5 tháng thi công. Đây là 2 trong số 9 cầu bộ hành kết nối các ga trên cao của tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) - tuyến tàu điện đầu tiên ở Thành phố. Kinh phí xây dựng nằm chung trong vốn đầu tư dự án.

Các cầu dài 80 - 150 m, rộng khoảng 3,5 m, tĩnh không (chiều cao từ đất đến mặt cầu) gần 5 m, kết nối từ đường song hành Võ Nguyên Giáp - xa lộ Hà Nội đến tầng trung chuyển của nhà ga. Cầu được thiết tương đồng ga trên cao metro với mái vòm thép, tấm lợp chống nóng... Dọc hai bên cầu bố trí bồn hoa, cây xanh, kết hợp thông gió tự nhiên. Ngoài giúp khách thuận tiện đi lại, cầu cũng là lối thoát hiểm nếu ga xảy ra sự cố.

Theo Chủ đầu tư, ngoài 2 cầu kết nối ga Khu công nghệ cao và Bình Thái đã hoàn thành, 7 cầu còn lại dọc tuyến cũng đang được đồng loạt triển khai. Trong đó, 3 cầu kết nối ga Rạch Chiếc, Phước Long, Tân Cảng đã hoàn tất gác dầm, dự kiến hoàn thiện các hạng mục còn lại như kiến trúc, cơ điện, biển báo, bảng hiệu... trong tháng 5.

Riêng 4 cầu còn lại kết nối các ga Thảo Điền, An Phú, Thủ Đức và Đại học Quốc Gia, MAUR cho biết đang phối hợp nhà thầu, tư vấn xây dựng kế hoạch chi tiết đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, các đơn vị sẽ tập trung nhân sự, bố trí mũi thi công ở các khu vực đã có mặt bằng, triển khai cả ngày và đêm. Toàn bộ hệ thống cầu bộ hành được Chủ đầu tư đặt mục tiêu hoàn thành trùng với thời gian dự kiến tuyến Metro số 1 khai thác vào quý IV.

Hà Tĩnh không còn huyện Lộc Hà sau sáp nhập

Hà Tĩnh dự kiến sắp xếp, sáp nhập 4 đơn vị hành chính cấp huyện. Sau sắp xếp, Tỉnh sẽ giảm 1 đơn vị, không còn huyện Lộc Hà; chưa sắp xếp thị xã Hồng Lĩnh.

Toàn cảnh trung tâm hành chính huyện Lộc Hà

Toàn cảnh trung tâm hành chính huyện Lộc Hà

Hà Tĩnh có là một trong những địa phương có số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp, sáp nhập nhiều nhất nhì cả nước với 4 đơn vị (chỉ sau Lâm Đồng sắp xếp 7 đơn vị).

Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Hà Tĩnh trình Bộ Nội vụ xem xét, cho ý kiến, trong 5 địa phương này sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập 4 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố và 3 huyện).

Cụ thể, Hà Tĩnh điều chỉnh, mở rộng thành phố Hà Tĩnh trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 14 xã giáp ranh liền kề thuộc các huyện: Thạch Hà, Lộc Hà và Cẩm Xuyên vào thành phố Hà Tĩnh.

Trong đó, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 11 xã: Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Hội, Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Thắng, Thạch Trị, Thạch Văn, Tượng Sơn, Tân Lâm Hương và Thạch Đài thuộc huyện Thạch Hà vào thành phố Hà Tĩnh.

Cùng với đó là nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Cẩm Vịnh và Cẩm Bình thuộc huyện Cẩm Xuyên; xã Hộ Độ thuộc huyện Lộc Hà vào thành phố Hà Tĩnh.

Toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 11 xã, thị trấn còn lại gồm: thị trấn Lộc Hà; các xã Thịnh Lộc, Tân Lộc, Hồng Lộc, Ích Hậu, Phù Lưu, Thạch Mỹ, Mai Phụ, Bình An, Thạch Kim và Thạch Châu thuộc huyện Lộc Hà nhập vào huyện Thạch Hà.

Như vậy, sau sắp xếp, Hà Tĩnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 1 huyện là Lộc Hà; trong đó có 1 thành phố (Hà Tĩnh), 2 thị xã (Hồng Lĩnh, Kỳ Anh) và 9 huyện.

Đối với cấp xã, Hà Tĩnh thực hiện sắp xếp 24 đơn vị gồm: 17 xã, 5 phường, 2 thị trấn (trong đó có 11 đơn vị thuộc diện sắp xếp, 5 đơn vị khuyến khích, 8 đơn vị liền kề), giảm 7 đơn vị.

Bên cạnh đó, có 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 42 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 nhưng Hà Tĩnh kiến nghị và đề xuất Trung ương chưa thực hiện sắp xếp.

Đó là thị xã Hồng Lĩnh và 39 xã, 2 phường, 1 thị trấn do có yếu tố đặc thù và đánh giá tình hình thực tiễn của từng địa phương.

Cánh quạt điện gió tại Gia Lai gãy gập khi đang bảo dưỡng

Ngày 29/4, UBND xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai thông tin đang phối hợp cùng công ty để khắc phục sự cố một cánh quạt điện gió bị gãy.

Cánh quạt của trụ điện gió Nhà máy Điện gió Ià Le 1 của Công ty CP Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 bị gãy gập

Cánh quạt của trụ điện gió Nhà máy Điện gió Ià Le 1 của Công ty CP Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 bị gãy gập

Theo thông tin ban đầu, khoảng 9h cùng ngày, người dân trình báo việc một cánh quạt của trụ điện gió bị gãy. Qua xác minh, cánh quạt bị gãy thuộc tua bin số WT4 của Nhà máy Điện gió Ia Le 1, thuộc Công ty CP Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 (thôn Kênh Xăn, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai).

Theo báo cáo của Công ty, tua bin số WT04 đang tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng định kỳ. Trong quá trình hiệu chỉnh góc quay và gặp thời tiết cực đoan, sấm sét, gió giật mạnh khiến cho cánh quạt rung lắc, đập mạnh vào thân trụ và gãy.

Rất may, một phần cánh quạt bị gãy vẫn treo trên trụ nên không gây ra thiệt hại về người và tài sản. Ngay khi sự việc xảy ra, UBND Xã đã phối hợp tuyên truyền vận động các hộ dân tránh việc tập trung đông người tại vị trí gặp sự cố.

Công ty CP Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 đã triển khai lực lượng bảo vệ, công nhân kỹ thuật trực 24/24, căng dây vùng an toàn để đảm bảo an ninh trật tự và phục vụ công tác khắc phục sự cố; đồng thời, phối hợp với đơn vị cung cấp thiết bị tiến hành phân tích nguyên nhân và sửa chữa trong thời gian sớm nhất.

Hải quan nỗ lực tạo thuận lợi thương mại, thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu

Trong quý I, toàn ngành hải quan đảm bảo thông quan thông suốt cho hơn 3,2 triệu tờ khai, với tổng kim xuất nhập khẩu đạt gần 178 tỷ USD, tăng 15,4 %, tương ứng tăng 23,79 tỷ USD so với cùng kỳ năm năm ngoái.

Các cán bộ ngành Hải quan đang làm thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp

Các cán bộ ngành Hải quan đang làm thủ tục xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp

Tổng cục Hải quan vừa tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện công tác quý I, triển khai chương trình công tác quý II/2024.

Trong quý I, các mặt công tác của toàn ngành đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là triển khai quyết liệt các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi thương mại. Quý I/2024, hoạt động xuất nhập khẩu cả nước có sự phục hồi, tăng trưởng đáng ghi nhận. Toàn ngành bảo đảm thông quan thông suốt cho hơn 3,2 triệu tờ khai, với tổng kim xuất nhập khẩu đạt gần 178 tỷ USD, tăng 15,4%, tương ứng tăng 23,79 tỷ USD so với cùng kỳ năm năm ngoái. Trong đó, tờ khai luồng xanh chiếm tỷ lệ trên 67%; tờ khai luồng Vàng chiếm tỷ lệ gần 30% và tờ khai luồng đỏ chiếm tỷ lệ hơn 3%.

Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, tiếp tục phát huy vai trò tham mưu cho Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã cụ thể hoá và triển khai các kế hoạch, chương trình công tác trọng điểm ở từng địa bàn, nhằm cảnh báo, hướng dẫn địa phương về công tác kiểm soát, đấu tranh đối với hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên tất cả các tuyến.

Kết quả, ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 3.483 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hoá vi phạm ước tính hơn 5.816 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 4 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 30 vụ, số tiền thu nộp ngân sách hơn 116 tỷ đồng. Ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 92 vụ, 87 đối tượng mua bán vận chuyển trái phép chất ma tuý.

Coteccons nâng mục tiêu doanh thu vượt 20.000 tỷ đồng

Nhờ trúng thầu nhiều dự án mới, nhà thầu xây dựng này tự tin điều chỉnh tăng chỉ tiêu doanh thu thêm 12 - 15% và lợi nhuận tăng 5 - 8% so với kế hoạch ban đầu.

Coteccons nâng mục tiêu doanh thu thêm 12-15% và lợi nhuận tăng thêm 5-8%.

Coteccons nâng mục tiêu doanh thu thêm 12-15% và lợi nhuận tăng thêm 5-8%.

Hội đồng Quản trị Công ty CP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) vừa thông qua việc thay đổi kế hoạch kinh doanh cho năm tài chính 2024 (1/7/2023 - 30/6/2024).

Theo đó, chỉ tiêu doanh thu hợp nhất được Coteccons nâng lên mức 20.000 - 20.500 tỷ đồng, cao hơn 12 - 15% so với mức 17.793 tỷ đồng được đặt ra ban đầu. Tương tự, mục tiêu lợi nhuận sau thuế cũng được nhà thầu xây dựng này nâng lên 5 - 8%, với 288 - 296 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Coteccons cho biết, Công ty quyết định điều chỉnh tăng kế hoạch kinh doanh sau khi đánh giá kết quả tích cực, tiếp tục xu hướng tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm tài chính 2024.

Cụ thể, tính hết tháng 3 năm nay (tức sau 3 quý của năm tài chính 2024), Coteccons đã ghi nhận doanh thu ước đạt 14.400 tỷ đồng, hoàn thành 81% kế hoạch đề ra ban đầu. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng đã đạt được 88% kỳ vọng với 240 tỷ đồng.

Coteccons đã cải thiện chất lượng các khoản phải thu thông qua việc trích lập dự phòng khoảng 180 tỷ đồng cho các khoản nợ khó đòi. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được tiết giảm 16 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tiết lộ danh sách trúng thầu mới của Coteccons - Unicons hiện tại với tổng giá trị khoảng 19.000 tỷ đồng. Cụ thể, Coteccons vừa trúng gói thầu thiết kế và thi công Dự án Nhà máy Suntory PepsiCo tại Khu công nghiệp Hựu Thạnh, tỉnh Long An.

Đồng thời, doanh nghiệp còn trúng thầu dự án Imperia Smart City của MIK Group, Mandarin Oriental (Đà Nẵng), Legend City (Vĩnh Phúc), đường Lương Hòa (Bình Chánh).

Theo bản tin IR mới nhất, trong các tháng đầu năm 2024 (bắt đầu quý III niên độ tài chính), công ty xây dựng này còn có thêm các dự án mới như khởi công Dự án phát triển Khu công nghiệp Yên Phong CN14.1 tại VSIP Bắc Ninh; hoàn thành đổ sàn tòa tháp Crystal Holdiday; trúng thầu nhà máy kỹ thuật Stronkin Việt Nam, khởi công Go! Bạc Liêu...

Đến hết quý I, giải ngân được 640 tỷ đồng trong gói tín dụng 120.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến hết quý I, đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng trong gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng.

Lũy kế toàn thị trường có 804 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô gần 574.000 căn

Lũy kế toàn thị trường có 804 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô gần 574.000 căn

Trong báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý I vừa công bố, Bộ Xây dựng cho biết, đến nay đã có 13 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, khởi công xây dựng và được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô hơn 16.000 căn.

Trong đó, có 5 dự án hoàn thành (3 dự án hoàn thành toàn bộ, 2 dự án hoàn thành 1 phần) với quy mô hơn 2.000 căn ở Bắc Giang, Thái Bình, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, TP.HCM. Có 4 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô hơn 8.000 căn và 4 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư quy mô gần 6.000 căn.

Lũy kế từ trước đến nay, cả nước có 804 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô gần 574.000 căn. Trong đó, 376 dự án đã hoàn thành với quy mô gần 196.000 căn.

Về triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, hiện nay đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng.

Đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó, có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng, tức mới giải ngân được hơn 0,5% toàn gói.

Từ đầu tháng 4/2023, Chính phủ đã triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cho vay chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5 - 2%.

Thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ cùng các bộ, ngành địa phương thực hiện có hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" và triển khai hiệu quả "Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng".

Chuyên đề