Sabeco quyết định giữ quan điểm đó là "chỉ có đại hội cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần". |
Trước khi đại hội chính thức diễn ra, Sabeco đã tiến hành thông qua quyết nghị về việc điều chỉnh thuyết minh nợ tiềm tàng trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017.
Theo kết luận được thông báo ngày 8/2/2018, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Sabeco nộp lợi nhuận còn lại từ năm 2016 trở về trước lên đến 2.495 tỷ đồng (phần cổ tức chia cho Bộ Công Thương theo tỷ lệ góp vốn 89,59%) và 289 tỷ đồng (chia cổ tức cho các cổ đông không kiểm soát theo tỷ lệ góp vốn 10,41%).
Trong nội dung nghị quyết chưa được điều chỉnh, Sabeco cho biết “Tại ngày báo cáo tài chính hợp nhất này, Sabeco vẫn trong đang trong quá trình xin ý kiến các cấp thẩm quyền về vấn đề nói trên”.
Còn trong bản nghị quyết vừa được điều chỉnh, Sabeco bổ sung: “theo Điều 135 của Luật Doanh nghiệp, Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần và có quyền quyết định mức cổ tức hàng năm của từng loại cổ phần.
Theo đó, Ban tổng giám đốc của Tổng công ty cho rằng, Đại hội đồng cổ đông chưa phê duyệt quyết định phân chia cổ tức cho Bộ Công Thương và các cổ đông không kiểm soát như đề xuất của Kiểm toán Nhà nước nên Tổng công ty chưa có đủ cơ sở để ghi nhận khoản phải trả này”.
Chính vì vậy, Sabeco cho rằng Tổng công ty chỉ thuyết minh là một khoản nợ tiềm tàng trên báo cáo tài chính hợp nhất. Tại ngày của báo cáo tài chính hợp nhất này, Tổng công ty đang trong quá trình xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.
Trong khi trước đó, Sabeco khẳng định việc sẽ thực hiện theo kết luận của Kiểm toán là tạm nộp toàn bộ số tiền lợi nhuận chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước vào ngân sách nhà nước để nộp thuế. Tổng số tiền vào khoảng hơn 2.790 tỷ đồng.
Sabeco còn đề nghị Cục Thuế TP.HCM hướng dẫn công ty cách thức thực hiện việc tạm nộp thuế này. Tuy nhiên, trong khi chờ Cục Thuế TP.HCM hướng dẫn cách thực hiện việc tạm nộp, Sabeco lại bất ngờ ban hành quyết nghị nói trên.
Như vậy có thể thấy rằng, Sabeco đã giữ nguyên quan điểm đưa ra trước đó về khoản tiền phải nộp này. Trước đó, ngay sau khi công bố kết luận kiểm toán, Sabeco cho rằng “không có cơ sở” cho yêu cầu này mà phải chốt danh sách cổ đông theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014.
Theo Sabeco, tại thời điểm 18/12/2017, sau khi bán 53,59% vốn cho VietBev, một công ty con của tỉ phú Thái Lan sở hữu ThaiBev, tỉ lệ sở hữu của Nhà nước tại Sabeco ở thời điểm 28/12/2017 chỉ còn 36,0024%.
“Do vậy, việc phân chia hết lợi nhuận đến ngày 31/12 cho cổ đông nhà nước với tỉ lệ 89,59% theo kết luận của kiểm toán là không có cơ sở thực hiện”, Sabeco khẳng định.
Bộ Công Thương nói Sabeco chuẩn bị 2.947 tỷ đồng để nộp phạt, không sử dụng chia cổ tức
Cũng liên quan đến việc Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sabeco nộp ngân sách nhà nước khoản lợi nhuận còn lại từ năm 2016 trở về trước, Bộ Công Thương đã đưa ra quan điểm khác để xử lý khoản tiền này.
Theo đó, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Việc không chia hết lợi nhuận của năm 2016 trở về trước tại Sabeco phát sinh từ các tồn tại trong việc xử lý phần thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) Sabeco phải nộp bổ sung trong giai đoạn 2007-2015.
Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Bộ Tài chính năm 2016 thì Sabeco phải nộp bổ sung thuế TTĐB còn nộp thiếu trong giai đoạn 2007-2015 là 4.769 tỷ đồng.
Thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sabeco thực hiện nộp đầy đủ thuế TTĐB phải nộp bổ sung.
Ngoài ra, theo quy định của luật, nếu việc nộp bổ sung thuế TTĐT theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước là đúng thì Sabeco phải nộp thêm khoản tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế.
Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã có các công văn báo cáo và kiến nghị Thủ tướng để xử lý dứt điểm các tồn tại về thuế TTĐB của Sabeco. Đồng thời, để có nguồn xử lý các tồn tại về thuế TTĐB sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Sabeco đã dự phòng một khoản 2.947 tỷ đồng từ lợi nhuận sau thuế năm 2016 trở về trước đó để thực hiện nộp phạt hành chính về thuế và tiền chậm nộp thuế.
“Nếu phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật thì toàn bộ khoản dự phòng này sẽ phải nộp vào ngân sách nhà nước để nộp phạt hành chính về thuế và tiền chậm nộp thuế, chứ không được sử dụng để chia cổ tức cho các cổ đông (kể cả cổ đông nhà nước)”, Vụ Tài chính và Đổi mới doanh nghiệp cho biết.
Theo Bộ Công Thương, trong quá trình thực hiện thoái vốn nhà nước tại Sabeco, tổ công tác đặc biệt về chuyển nhượng vốn nhà nước tại Sabeco đã chỉ đạo tính toán khoản dự phòng thuế này trong giá trị doanh nghiệp để thoái vốn và đưa vấn đề tồn tại về thuế TTĐB vào bản cáo bạch công bố thông tin theo quy định.