Quy hoạch tỉnh Phú Yên: Phát triển hiện đại, bền vững nhờ lợi thế biển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phú Yên là tỉnh nằm ở trung tâm của vùng duyên hải miền Trung, là cửa ngõ kết nối với vùng Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan. Với hạ tầng giao thông kết nối đã được đầu tư tương đối đồng bộ, Phú Yên có nhiều nền tảng để bứt phá trong giai đoạn đến năm 2030.

Nền tảng bứt phá nhờ hạ tầng đồng bộ

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã chủ trì Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào chiều 15/9. Đây là quy hoạch tỉnh thứ 53 được Hội đồng tổ chức phiên họp để thẩm định.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Phiên họp. Ảnh Đức Trung

Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Phiên họp. Ảnh Đức Trung

Đánh giá tổng quát về quá trình phát triển của Tỉnh, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, trong giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Phú Yên đạt mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn kỳ vọng và tiềm năng của Tỉnh (6,9%/năm). Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và GRDP bình quân đầu người đều đứng thứ 11/14 tỉnh trong vùng miền Trung và chỉ bằng 61% mức trung bình của cả nước, chỉ số PCI đứng thứ 42/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cơ cấu kinh tế của Tỉnh: nông nghiệp chiếm xấp xỉ 26%, công nghiệp - xây dựng 27% và dịch vụ 42%, cho thấy dư địa để phát triển ngành công nghiệp rất lớn, vốn đầu tư toàn xã hội thấp, thu hút vốn FDI còn hạn chế, quy mô doanh nghiệp nhỏ, thiếu các doanh nghiệp lớn, đầu đàn.

Trong khi đó, Phú Yên sở hữu vị trí trung tâm của vùng duyên hải miền Trung, là cửa ngõ kết nối với vùng Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan. Phú Yên có đường bờ biển dài gần 190 km với nhiều tài nguyên thiên nhiên đặc sắc, nhiều tiềm năng phát triển, nhưng gần như chưa được khai thác, phát huy hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như: vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa, cao nguyên Vân Hòa...; có nguồn tài nguyên nước dồi dào, tài nguyên đất còn nhiều dư địa thuận lợi để phát triển nông nghiệp chất lượng cao.

Phú Yên là tỉnh có nhiều thuận lợi trong kết nối giao thông với đầy đủ các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Cảng hàng không Tuy Hòa có vị trí rất thuận tiện và có nhiều tiềm năng để nâng cấp trở thành một trong những cảng hàng không lớn, hiện đại; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối của Phú Yên đã được đầu tư tương đối đồng bộ.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, với tiềm năng như vậy, xuất phát điểm hiện tại của tỉnh Phú Yên là thấp. Quy hoạch Tỉnh lần này là cơ hội quý để Phú Yên rà soát, đánh giá rõ thực trạng phát triển, xác định cụ thể các điểm nghẽn, để từ đó xác định các nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá giúp Tỉnh chủ động kiến tạo tương lai, biến tiềm năng thành động năng, cao hơn là thành nguồn lực và động lực cho phát triển, giúp Phú Yên phát triển nhanh và bền vững trên nền tảng khoa học, công nghệ trong thời gian tới. Thuận lợi trong kết nối giao thông, hạ tầng đồng bộ cần được phát huy với vai trò nền tảng để Tỉnh bứt phá phát triển trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Dựa lợi thế biển với các trụ cột công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, vận tải biển và logistics

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương, việc lập Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất quan trọng giúp Phú Yên khơi thông được nguồn lực, tận dụng tối đa mọi cơ hội để phát triển; cùng với đó nhận diện và giải quyết được các điểm nghẽn, xác định rõ tiềm năng, lợi thế, cơ hội và thách thức để giúp Phú Yên xác định các kịch bản tăng trưởng mang tính đột phá trong thời kỳ mới.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương

Dự thảo Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, Phú Yên trở thành tỉnh phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Kinh tế phát triển dựa lợi thế biển với các trụ cột: công nghiệp (luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng...), du lịch, đô thị hóa, nông nghiệp công nghệ cao, vận tải biển và logistics. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Có mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội đồng bộ, hiện đại...

Các mục tiêu cụ thể được đặt ra với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 8,5 - 9%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 150 - 156 triệu đồng (6.500 - 6.800 USD); kinh tế số chiếm 25 - 30% GRDP; đóng góp của năng suất tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt trên 35%...

Riêng về kết cấu hạ tầng, Phú Yên định hướng hoàn thành đầu tư khung hệ thống kết cấu hạ tầng: cảng biển, sân bay hiện đại; đường cao tốc kết nối thuận lợi với các tỉnh khu vực và cả nước; hạ tầng số đủ năng lực thúc đẩy và nâng cao hiệu quả chuyển đổi số; hạ tầng đô thị cơ bản được đầu tư hiện đại và tổ chức tốt; hạ tầng khoa học công nghệ và đào tạo phát triển hình thành một điểm kết nối về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng; phát triển đạt mức khá so với các địa phương trong cả nước, phấn đấu từ năm 2035 tỉnh Phú Yên tự cân đối được ngân sách nhà nước; là một trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống của vùng và cả nước; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; các hoạt động kinh tế - xã hội và quản trị công được vận hành chủ yếu theo cơ chế của nền kinh tế số, xã hội số; các ngành kinh tế phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2030 gần 300 nghìn tỷ đồng

Trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, Phú Yên được xác định là địa phương nằm trên hành lang kinh tế ưu tiên của cả nước, hành lang kinh tế Bắc - Nam, được định hướng phát triển kết nối các vùng động lực, các đô thị lớn, trung tâm kinh tế, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, tạo tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển của dải ven biển và khu vực phía Tây.

Trên cơ sở đó, kịch bản tăng trưởng được Dự thảo Quy hoạch tỉnh Phú Yên đưa ra với tốc độ tăng GRDP của Tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 là 8,5 - 9%; Khu kinh tế Nam Phú Yên và các khu công nghiệp trong quy hoạch hoàn thành cơ bản việc xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút được một số dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, thu ngân sách của Tỉnh và phát huy tốt hiệu quả đầu tư như công nghiệp luyện kim, lọc, hóa dầu, năng lượng sạch...; các dự án xây dựng hạ tầng giao thông kết nối triển khai đúng tiến độ, nhất là các dự án giao thông liên vùng có tính kết nối cao, hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm, hệ thống cảng biển gắn với cảng nước sâu Bãi Gốc...; phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Khi đó, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 là 95.000 - 98.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 190.000 - 200.000 tỷ đồng.

Chuyên đề