Cấp bách gỡ vướng dự án BT, đưa đất vào sử dụng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều dự án BT thực hiện từ giai đoạn trước Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đã thực hiện công trình BT, nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc trong thanh toán, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, đồng thời làm đình trệ việc đưa quỹ đất đối ứng vào khai thác, lãng phí nguồn lực đất đai. Những tồn đọng kéo dài không do lỗi của nhà đầu tư, đòi hỏi cần có giải pháp xử lý dứt điểm, củng cố niềm tin của giới đầu tư vào môi trường đầu tư, chính sách pháp luật.
Đến cuối tháng 3/2024, cả nước có 160 dự án BT chuyển tiếp đang tiếp tục triển khai. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Đến cuối tháng 3/2024, cả nước có 160 dự án BT chuyển tiếp đang tiếp tục triển khai. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Bế tắc thanh toán

Nghệ An triển khai Dự án Xây dựng một số tuyến đường nội thị để phát triển hạ tầng giao thông thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành, do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hùng Sơn là nhà đầu tư. Do biến động tăng trưởng nóng cục bộ của thị trường bất động sản tại khu vực trong thời gian từ tháng 11/2021 đến tháng 5/2022, giá đất tăng gấp hơn 2,5 lần dẫn đến giá trị quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư dự án vượt quá giá trị dự án BT, không còn bảo đảm nguyên tắc ngang giá theo quy định tại Điều 44 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Hiện nay, nhà đầu tư đã bỏ chi phí hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đầu tư hạ tầng giao thông, kỹ thuật trên toàn bộ quỹ đất dự kiến thanh toán, thi công hoàn thành dự án BT. Nếu giảm trừ quỹ đất tương ứng sẽ dẫn đến vướng mắc do pháp luật chưa quy định, hướng dẫn cụ thể việc hoàn trả chi phí đầu tư hạ tầng mà nhà đầu tư đã thực hiện và việc thu hồi, xử lý đối với quỹ đất giảm trừ. Tỉnh Nghệ An đề xuất phương án cho phép giao toàn bộ quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư để bảo đảm đồng bộ về quy hoạch, hạ tầng, kiến trúc cảnh quan và quyền lợi của nhà đầu tư, nhà đầu tư sẽ nộp bằng tiền vào ngân sách nhà nước đối với phần giá trị chênh lệch giữa giá trị dự án BT và giá trị quỹ đất thanh toán.

Quảng Bình gặp vướng mắc tương tự tại Dự án Xây dựng hạ tầng công viên vui chơi giải trí thuộc khu công viên Cầu Rào. Tại dự án này, nhà đầu tư đã thi công xây dựng hoàn thành trên 80% khối lượng công việc, tương ứng với tổng chi phí khoảng hơn 90 tỷ đồng. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Quảng Bình, nếu giao phần diện tích tương đương giá trị dự án BT thì không bảo đảm việc đầu tư đồng bộ theo quy hoạch đã duyệt và khó xử lý đối với phần đất không được thanh toán nhưng nhà đầu tư đã GPMB. Nếu giao toàn bộ diện tích được xác định thì không bảo đảm nguyên tắc ngang giá.

Tại Bắc Ninh, một trong những địa phương có số lượng dự án BT chuyển tiếp lớn nhất cả nước, việc thanh toán cho nhiều dự án cũng vướng mắc. Theo Sở KH&ĐT Bắc Ninh, đến nay, các nhà đầu tư đã thực hiện hoàn thành dự án BT hoặc có khối lượng xây dựng công trình dự án BT theo tiến độ; thực hiện xong việc bồi thường, GPMB theo phương án được phê duyệt với quỹ đất để thanh toán dự án BT (dự án đối ứng). Nhà đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành quyết định giao đất làm căn cứ xác định tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đối ứng. Tuy nhiên, do khó khăn trong công tác bồi thường, GPMB, thời gian thực hiện dự án đối ứng phải kéo dài, tại thời điểm nhà đầu tư đề nghị giao đất, giá đất thực tế cao hơn so với giá đất tại thời điểm ký hợp đồng. Do đó, cơ quan nhà nước tạm tính giá trị thu tiền sử dụng đất theo mức giá thực tế lớn hơn giá trị dự án BT, cá biệt có trường hợp lớn hơn gấp 2 đến 3 lần.

Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh cho biết, đang có những quan điểm khác nhau về nội dung này dẫn đến lúng túng trong thực hiện. Quan điểm thứ nhất, cũng là đề xuất của nhà đầu tư, là giao toàn bộ khu đất theo hợp đồng dự án BT và quyết định chủ trương đầu tư kể cả trường hợp giá trị quỹ đất tại thời điểm giao đất, cho thuê đất lớn hơn giá trị dự án BT; phần chênh lệch giữa giá trị quỹ đất và giá trị dự án BT, nhà đầu tư có trách nhiệm nộp vào ngân sách theo quy định. Quan điểm thứ hai cho rằng, nhà đầu tư chỉ được giao khu đất đối ứng tương đương với giá trị dự án BT, giá trị quỹ đất thanh toán được xác định tại thời điểm giao đất, xác định giá đất; phần diện tích đất còn thừa Nhà nước sẽ thu hồi theo quy định.

Ngược lại, tại Sơn La, Dự án Tạo mặt bằng khu trung tâm hành chính và quảng trường tỉnh tại Sơn La đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2020, đến nay vẫn chưa hoàn tất thanh toán cho nhà đầu tư do không có quy định về nguồn vốn, quy trình, thủ tục, thẩm quyền và nội dung thanh toán bằng tiền cho nhà đầu tư trong trường hợp không hoàn vốn được bằng quỹ đất do nguyên nhân khách quan, trường hợp phải bỏ 1 quỹ đất 1 dự kiến thanh toán trong hợp đồng BT và trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn giá trị công trình BT đã hoàn thành.

Một số địa phương khác cũng gặp vướng mắc tương tự, nhưng pháp luật về ngân sách nhà nước (nội dung chi ngân sách) chưa có quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nguồn vốn để bố trí ngân sách nhà nước xử lý các trường hợp nêu trên.

Dự án Tạo mặt bằng khu trung tâm hành chính và quảng trường tỉnh tại Sơn La được đưa vào sử dụng từ năm 2020, đến nay vẫn chưa hoàn tất thanh toán cho nhà đầu tư. Ảnh: VOV

Dự án Tạo mặt bằng khu trung tâm hành chính và quảng trường tỉnh tại Sơn La được đưa vào sử dụng từ năm 2020, đến nay vẫn chưa hoàn tất thanh toán cho nhà đầu tư. Ảnh: VOV

Cần giải pháp xử lý dứt điểm

Trong các báo cáo về tình hình thực hiện dự án PPP năm 2023, các địa phương có dự án BT còn vướng mắc đều mong muốn sớm có hướng dẫn xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền của địa phương. Rất nhiều nhà đầu tư cũng chia sẻ đối diện nguy cơ vỡ nợ, phá sản vì đã chi tiền thực hiện công trình BT mà nhiều năm chưa được giao quỹ đất đối ứng để triển khai dự án hoàn vốn.

Luật PPP đã dừng thực hiện các dự án BT mới và quy định chuyển tiếp đối với các dự án đã thực hiện trước ngày Luật có hiệu lực thi hành (bao gồm cả việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán của Nhà nước). Theo tổng hợp của Bộ KH&ĐT từ số liệu của địa phương, đến cuối tháng 3/2024, cả nước có 160 dự án BT chuyển tiếp đang tiếp tục triển khai. Trong đó, một số địa phương nhiều dự án như Bắc Ninh (41 dự án), Thái Nguyên (10 dự án), Hà Nam (12 dự án), Hà Nội (17 dự án), Đà Nẵng, Bắc Giang, Khánh Hòa (15 dự án), Thanh Hóa, Thái Bình,...

Bộ KH&ĐT tổng hợp 3 nhóm vướng mắc liên quan đến thực hiện dự án BT chuyển tiếp gồm: vướng mắc phát sinh từ quy định của luật về thanh toán cho nhà đầu tư; vướng mắc phát sinh do thiếu quy định để thực hiện ở nghị định hoặc quy định còn cách hiểu chưa thống nhất; vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Đối với nhóm vướng mắc 2 và 3, việc sửa đổi ở cấp nghị định đang được cơ quan liên quan triển khai, các địa phương và cơ quan ký kết hợp đồng cũng đang rà soát, tích cực gỡ vướng.

Theo Bộ KH&ĐT, đối với một số vướng mắc được xác định vượt thẩm quyền xử lý của Chính phủ, trong bối cảnh chưa thể sửa ngay các quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Ngân sách nhà nước, việc đề xuất ban hành một nghị quyết của Quốc hội là cần thiết và cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án BT chuyển tiếp, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng, tránh gây lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai. Theo đó, Bộ KH&ĐT đề xuất những vấn đề cần xử lý ở nghị quyết là việc thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán vượt quá giá trị công trình BT; vướng mắc trong việc bố trí ngân sách nhà nước thanh toán hoặc bồi thường cho nhà đầu tư trong trường hợp Nhà nước chấm dứt hợp đồng dự án; xử lý việc thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp hợp đồng BT đã được ký kết nhưng chưa đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng.

Chuyên đề