Tìm lối thoát cho 162 dự án BT còn tồn đọng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ ngày 1/1/2021, hợp đồng BT đã dừng triển khai đầu tư mới theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhưng còn khá nhiều dự án BT chuyển tiếp. Theo tổng hợp từ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hiện còn 162 dự án BT tồn đọng tại nhiều địa phương. Các vướng mắc đã được rà soát, nhận diện, chờ đợi sớm có giải pháp tháo gỡ.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Nhiều vướng mắc đan xen

Ông Đoàn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa có 17 dự án BT đã ký hợp đồng, trong đó có 15 dự án chuyển tiếp còn vướng mắc. Tỉnh Khánh Hòa phân loại 3 nhóm dự án vướng: nhóm 1 là các dự án liên quan đến xử lý khắc phục theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về sử dụng quỹ đất tại sân bay Nha Trang để thanh toán cho nhà đầu tư (NĐT); nhóm 2 là dự án sử dụng trụ sở làm việc để thanh toán cho NĐT; nhóm 3 là các dự án sử dụng quỹ đất để thanh toán cho NĐT. Với các nhóm dự án, Khánh Hòa đã rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết cuối cùng.

Một trong những vướng mắc rất lớn, gây lúng túng trong xử lý, được ông Đoàn Quang Huy nêu ra là theo Điều 17 Nghị định 69/2019/NĐ-CP (quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng BT): "Đối với các hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, trụ sở làm việc cho NĐT thực hiện dự án BT đã được ký kết theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký hợp đồng BT trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán cho NĐT thì tiếp tục thực hiện việc thanh toán theo nội dung hợp đồng BT đã ký kết". Tuy nhiên, hiện pháp luật chưa quy định thế nào là hợp đồng BT ký kết đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng, và trường hợp hợp đồng ký kết chưa đúng hoặc chưa phù hợp thì chưa có quy định xử lý chuyển tiếp. Ví dụ với 3 dự án sử dụng quỹ đất tại sân bay Nha Trang, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận các dự án đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật, nhưng một số bộ, ngành lại có quan điểm cho rằng chưa đúng do quỹ đất thanh toán dự kiến tại hợp đồng chưa đúng quy định, gây lúng túng trong quá trình xử lý của UBND Tỉnh. Hay với 2 dự án thuộc nhóm 3, đã thi công hoàn thành, đã quyết toán nhưng đến nay chưa thanh toán, tại thời điểm ký hợp đồng có nội dung quy hoạch liên quan đến quỹ đất hoàn vốn chưa đúng quy định, hiện các nội dung quy hoạch đang được điều chỉnh. “Vậy trong trường hợp quy hoạch được phê duyệt điều chỉnh đúng quy định, thì hợp đồng có được xác định là đúng quy định hay chưa?”, ông Đoàn Quang Huy băn khoăn.

Những vướng mắc của Khánh Hòa cũng tương đồng với rất nhiều dự án BT còn tồn đọng tại nhiều địa phương trên cả nước.

Tổng hợp từ số liệu của địa phương, Bộ KH&ĐT cho biết, có 162 dự án BT còn tồn đọng, với tổng mức đầu tư các dự án là 58.616 tỷ đồng, quỹ đất dự kiến thanh toán khoảng 20.673 ha.

Trên cơ sở rà soát, Bộ KH&ĐT phân loại thành 3 nhóm vướng mắc. Theo đó, nhóm 1 là vướng mắc phát sinh từ quy định của luật về thanh toán cho NĐT. Nhóm 2 là các vướng mắc phát sinh do thiếu quy định để thực hiện ở Nghị định 69/2019/NĐ-CP hoặc quy định còn cách hiểu chưa thống nhất. Nhóm 3 là vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Sớm xác định giải pháp

Ông Trần Hào Hùng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT chia sẻ tại Hội thảo mới đây, cả Luật PPP, Nghị định 69/2019/NĐ-CP và Nghị định 35/2021/NĐ-CP (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PPP) đều thống nhất tinh thần là các hợp đồng được ký trước Luật PPP được tiếp tục thực hiện và thanh toán theo quy định của hợp đồng và quy định pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện, việc áp dụng các điều kiện chuyển tiếp đối với các dự án BT được ký hợp đồng trước khi Luật PPP có hiệu lực còn vướng mắc.

Đây là nội dung lớn ảnh hưởng đến tồn đọng của các dự án BT và xuất phát từ quy định tại Nghị định 69/2019/NĐ-CP. Quy định này, cùng với những vướng mắc của nhóm 2, Bộ KH&ĐT đề xuất theo hướng báo cáo Chính phủ sửa Nghị định 69/2019/NĐ-CP.

Đối với vấn đề dùng ngân sách nhà nước thanh toán cho NĐT trong trường hợp không thanh toán được bằng quỹ đất theo hợp đồng PPP đã ký kết, nhiều chuyên gia cho rằng, trường hợp này nên hiểu không phải là thanh toán dự án BT bằng tiền, mà là bồi thường lại cho nhà đầu tư khi đã xây dựng xong công trình nhưng không được thanh toán lại bằng đất theo hợp đồng. Vì thế, sẽ phải tháo gỡ theo hướng có quy định về bồi thường khi chấm dứt hợp đồng, hiện một số tỉnh dù có ngân sách địa phương để thanh toán nhưng chưa có cơ sở pháp lý thực hiện.

Ông Hùng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo phải xử lý sớm những vướng mắc dự án BT ký kết trước khi Luật PPP có hiệu lực, Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, cố gắng sớm có phương án xử lý báo cáo Thủ tướng.

Chuyên đề