Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 162 dự án BT chuyển tiếp với tổng mức đầu tư các dự án là 58.616 tỷ đồng, quỹ đất dự kiến thanh toán khoảng 20.673 ha. Ảnh: Tường Lâm |
3 nhóm vướng mắc chính
Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), hiện có 162 dự án BT chuyển tiếp, trong đó một số địa phương triển khai nhiều dự án như Bắc Ninh 41 dự án, Thái Nguyên 10 dự án, Hà Nam 12 dự án, Hà Nội 17 dự án, Đà Nẵng 6 dự án, Bắc Giang 6 dự án, Khánh Hòa 15 dự án… Tổng mức đầu tư của các dự án BT là 58.616 tỷ đồng, dự kiến bố trí khoảng 20.673 ha quỹ đất thanh toán cho NĐT.
Qua rà soát các dự án, Bộ KH&ĐT ghi nhận 3 nhóm vướng mắc.
Nhóm 1 là vướng mắc phát sinh từ quy định của luật về thanh toán cho NĐT. Nổi cộm là vướng mắc do giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán vượt quá giá trị công trình BT, trong khi theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho NĐT khi thực hiện dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá; giá trị tài sản công được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán theo quy định của pháp luật. Theo rà soát, có khoảng 21 dự án tại 8 địa phương đã ký kết hợp đồng BT trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành gặp vướng mắc này, có một số dự án giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán lớn gấp 2 đến 3 lần giá trị công trình BT. Các địa phương gặp lúng túng khi thực hiện thanh toán.
Bên cạnh đó, trong nhóm 1 có vướng mắc do chưa có quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục bố trí ngân sách nhà nước để thanh toán trong trường hợp giá trị quỹ đất dự kiến nhỏ hơn giá trị công trình BT hoặc bồi thường cho NĐT khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.
Nhóm 2 là những vướng mắc phát sinh do thiếu quy định để thực hiện ở nghị định hoặc quy định còn cách hiểu chưa thống nhất. Trong đó, vướng mắc rất lớn liên quan việc sử dụng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng (GPMB) hoặc trụ sở cơ quan nhà nước để thanh toán cho NĐT. Theo quy định tại Nghị định 69/2019/NĐ-CP (NĐ 69), trường hợp sử dụng quỹ đất đã hoàn thành GPMB để thanh toán cho NĐT thực hiện dự án BT thì UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định trước khi quyết định chủ trương đầu tư dự án. Tuy nhiên, do NĐ 69 chưa quy định cụ thể về cơ sở, điều kiện để Thủ tướng quyết định việc giao đất đã hoàn thành GPMB, trụ sở cơ quan nhà nước cho NĐT, nên đến nay các hợp đồng này đều chưa thực hiện thanh toán trong khi hầu hết NĐT đã thực hiện quyết toán hoặc hoàn thành xây dựng công trình. Hiện có khoảng 10 hợp đồng BT đã ký kết gặp vướng mắc này.
Cũng thuộc nhóm 2, một số địa phương phản ánh khó khăn do quy định hiện hành chưa làm rõ cơ sở để sử dụng quỹ đất, trong đó có phần diện tích đất công để thanh toán cho NĐT; chưa có quy định để xử lý phần kinh phí NĐT đã ứng trước để thực hiện công tác GPMB, hỗ trợ tái định cư của quỹ đất đối ứng; chưa có quy định để thanh toán, quyết toán phần lãi vay sau giai đoạn xây dựng đối với các dự án BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước; chưa có quy định để điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế bản vẽ thi công, sửa đổi hợp đồng đối với dự án BT.
Nhóm 3 là những vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng. Một số địa phương như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội, Khánh Hòa... phản ánh thực tế vướng mắc về chậm trễ đền bù, GPMB dẫn đến phải gia hạn thời gian thực hiện dự án, làm phát sinh chi phí đầu tư, gia tăng khoản lãi vay và làm tăng giá trị các dự án BT; NĐT chưa nộp giá trị nộp ngân sách nhà nước đã chào tại hồ sơ dự thầu...
Nhiều địa phương gặp vướng mắc khi sử dụng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư BT. Ảnh: TL st |
Hướng xử lý như thế nào?
Với nhóm 1, là các vướng mắc phát sinh từ quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hoặc chưa có quy định tại Luật, vượt thẩm quyền xử lý của Chính phủ, Bộ KH&ĐT đề xuất phương án xử lý tại nghị quyết của Quốc hội, áp dụng riêng đối với dự án BT chuyển tiếp. Đồng thời, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nguồn vốn để bố trí ngân sách nhà nước thanh toán hoặc bồi thường chấm dứt hợp đồng cho NĐT.
Để giải quyết vướng mắc thuộc nhóm 2, cần sửa đổi, bổ sung các nghị định có liên quan. Trong đó, cần sửa đổi bổ sung NĐ 69 theo hướng làm rõ các nội dung, điều kiện để Thủ tướng có căn cứ quyết định việc giao đất đã hoàn thành GPMB, trụ sở cơ quan nhà nước cho NĐT; làm rõ quỹ đất trong đó có phần đất công như đất sông, suối, đất giao thông và đất chưa sử dụng được sử dụng để thanh toán cho NĐT; làm rõ trường hợp sử dụng quỹ đất chưa GPMB để thanh toán cho NĐT, giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán được xác định sau khi khấu trừ số tiền mà NĐT đã ứng để thực hiện công tác GPMB, hỗ trợ tái định cư. Bổ sung quy định chuyển tiếp cho dự án BT tại NĐ 35/2021/NĐ-CP liên quan đến điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi và NĐ 15/2021/NĐ-CP liên quan đến điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công dự án BT.
Với vướng mắc thuộc nhóm 3, thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan ký kết hợp đồng, do đó cơ quan ký hợp đồng cần chủ động trao đổi, đàm phán với NĐT, xử lý theo thẩm quyền theo quy định của pháp luật và hợp đồng dự án.
Tháng 11/2023, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về tình hình thực hiện hoạt động đầu tư theo phương thức PPP. Trong đó, với vướng mắc của dự án BT chuyển tiếp, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT khẩn trương thực hiện Văn bản số 6992/VPCP-CN ngày 12/9/2023 để sửa đổi, bổ sung NĐ 69 và NĐ 35. Phó Thủ tướng yêu cầu việc sửa đổi bảo đảm toàn diện, giải quyết dứt điểm vướng mắc của các dự án BT chuyển tiếp, đang triển khai dở dang, trong đó tăng cường phân cấp và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng BT.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số nhà đầu tư có dự án BT đã hoàn thành nhưng chưa được thanh toán tại Khánh Hòa kỳ vọng, với việc tổng rà soát, nhận diện rõ vướng mắc, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, các vướng mắc sẽ sớm có giải pháp tháo gỡ, giảm bớt thiệt hại và củng cố niềm tin của NĐT vào môi trường đầu tư.