Dự án Xử lý nước thải Hồ Tây có công suất 33.000 m3/ngày |
Từ tâm huyết với “nghề” xử lý nước thải…
Trên phương diện đầu tư PPP, cho đến thời điểm hiện tại, cả nước mới chỉ có 9 dự án XLNT được triển khai theo hình thức hợp đồng BT, BOT nhưng trong đó có tới 8 dự án do Phú Điền làm nhà đầu tư. Tên tuổi của nhà đầu tư Phú Điền đã được khẳng định qua nhiều dự án PPP về xử lý nước thải tầm cỡ, có quy mô lớn như: Nhà máy XLNT Tham Lương - Bến Cát (TP.HCM) với công suất 250.000 m3/ngày (giai đoạn 1 có công suất 131.000 m3/ngày); Nhà máy XLNT Hồ Tây với công suất 33.000 m3/ngày.đêm; Hệ thống thu gom và Nhà máy XLNT Từ Sơn - Bắc Ninh có công suất 33.000 m3/ngày.đêm; Trạm xử lý nước rỉ rác tại Khu liên hợp chất thải rắn Nam Sơn với công suất 2.300 - 3.000 m3/ngày; Nhà máy XLNT Suối Nhum (TP.HCM) với công suất 65.000 m3/ngày…
Bên cạnh đó, hiện Phú Điền còn là nhà đầu tư vận hành lớn nhất, đang vận hành 10/18 nhà máy XLNT của cả nước có công suất từ 5.000 - 210.000 m3/ngày. Trong quá trình vận hành, Phú Điền nhờ nắm vững công nghệ đã tiết kiệm chi phí cho ngân sách nhà nước, ví dụ như tại Nhà máy XLNT Yên Sở, Hà Nội đã tiết kiệm được hơn 60% chi phí vận hành, tương đương 180 - 200 tỷ đồng/năm; khắc phục được những tồn tại dễ dẫn đến khiếu nại của nguời dân sinh sống xung quanh khu vực nhà máy, chẳng hạn như Nhà máy XLNT Nhơn Bình - Bình Định do phát sinh mùi hôi nên bị người dân sống xung quanh khu vực này phản đối rất mạnh.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Công ty Phú Điền cho biết, trước đây, việc xây dựng các nhà máy XLNT và hệ thống thu gom nước thải chủ yếu sử dụng vốn ODA. Khoảng 8 - 9 năm trở lại đây, việc đầu tư các nhà máy này được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT, BT. Nhưng khác với nhiều nhà đầu tư BT (đổi đất lấy công trình đầu tư) ở các lĩnh vực khác, Phú Điền thường đeo đuổi dự án từ đầu đến cuối, từ lúc đầu tư xây dựng nhà máy đến quá trình hoàn thành, vận hành nhà máy XLNT, bởi vì đây là tâm huyết của Phú Điền. Nếu như hình thức hợp đồng BT cho phép nhà đầu tư bỏ tiền xây dựng công trình để đổi lấy quỹ đất khai thác - kinh doanh thì khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, các dự án BT thường bị chậm tiến độ và thực tế đã chứng minh điều này. Trong khi đó, với tâm huyết với “nghề” XLNT, cái “đích” mà Phú Điền nhắm tới mỗi khi đầu tư dự án PPP là dự án XLNT, nên luôn tìm cách để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và trong quá trình triển khai, với những tiềm lực tài chính đã chuẩn bị sẵn, các dự án do Phú Điền đầu tư đều đạt tiến độ đề ra do không bị chi phối bởi những yếu tố biến động khác của hoàn cảnh.
Thung lũng hoa Hồ Tây là phần đất Phú Điền tiết kiệm được do ngầm hóa việc xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Hồ Tây
… đến khẳng định đẳng cấp ở công trình khó
Trong những thành quả đầu tư theo hình thức PPP của Phú Điền được xã hội đánh giá cao, không thể không nhắc tới Dự án XLNT Hồ Tây với công suất 33.000 m3/ngày. So với những dự án PPP khác của Phú Điền, đây không phải là nhà máy có công suất XLNT lớn nhất nhưng là dự án quan trọng nằm ngay ở giữa trung tâm Hà Nội. Và một trong những khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng Nhà máy XLNT này là ý kiến phản đối của các hộ dân xung quanh Nhà máy. Các dự án này thường bị dính vào “mớ bòng bong” khiếu kiện của người dân trong vùng xây dựng dự án. Thế nhưng, bằng công nghệ riêng, cách nghĩ và cách làm mới, khác biệt và hiệu quả, Phú Điền đã xây dựng ngầm thành công Nhà máy XLNT Hồ Tây trong thời gian năm 2011 - 2013 và nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân và xã hội. Công trình này được xây ngầm có diện tích chỉ hơn 4.000 m2 và được áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng công trình cũng như chất lượng nước sau xử lý.
Đại diện Công ty Phú Điền cho biết, theo dự kiến ban đầu, dự án Nhà máy XLNT Hồ Tây sử dụng vốn ODA với tổng diện tích dự án khoảng gần 5 ha và vị trí xây dựng Nhà máy này là sát mép nước Hồ Tây, lại nằm sát nhà dân. Đây là một thách thức lớn đối với quá trình xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy nếu làm theo cách truyền thống. Dựa vào những lợi thế về mặt công nghệ, sau khi tiếp nhận triển khai dự án này theo hình thức hợp đồng BT, Phú Điền đã xây dựng ngầm Nhà máy trong khuôn viên diện tích nhỏ hơn rất nhiều lần (chỉ hơn 4.000 m2, trong khi dự kiến ban đầu là gần 5 ha) và gần như không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh nên được xã hội đồng thuận rất cao. Trong suy nghĩ của nhiều người dân, việc vận hành một nhà máy XLNT sẽ làm cuộc sống sinh hoạt và môi trường xung quanh bị ô nhiễm, thế nhưng, trên thực tế, xung quanh Nhà máy XLNT Hồ Tây là những khu vui chơi giải trí trong lành, đông đúc. Đại diện Công ty Phú Điền còn cho biết, diện tích Khu thung lũng hoa Hồ Tây - một điểm đến du lịch, vui chơi hấp dẫn cho giới trẻ Thủ đô hiện nay chính là phần đất kết dư mà Phú Điền tiết kiệm được do ngầm hóa việc xây dựng Nhà máy XLNT Hồ Tây.
Trên nền tảng những tâm huyết với “nghề” XLNT, dám nghĩ, dám làm trên cơ sở làm chủ những công nghệ hiện đại, cách thức triển khai các dự án PPP của Phú Điền đã phần nào cho thấy bản lĩnh và sự lớn mạnh của nhà thầu nội trong lĩnh vực XLNT - một lĩnh vực đầu tư cấp thiết hiện nay khi mà quá trình đô thị hóa ở nước ta đang diễn ra nhanh chóng, những nguy cơ từ ô nhiễm môi trường đang từng ngày, từng giờ đe dọa đến cuộc sống của người dân và toàn xã hội.