Phân cấp mạnh về quản lý đầu tư xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP (NĐ 15) ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng đang được Bộ Xây dựng công bố lấy ý kiến. Lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định, Dự thảo Nghị định được xây dựng theo hướng tiếp tục phân cấp, phân quyền, giảm thủ tục hành chính trong quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Nhiều nhà đầu tư mong muốn sửa đổi nhanh Nghị định số 15/2021/NĐ-CP để tháo gỡ ách tắc, đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng. Ảnh: Tường Lâm
Nhiều nhà đầu tư mong muốn sửa đổi nhanh Nghị định số 15/2021/NĐ-CP để tháo gỡ ách tắc, đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng. Ảnh: Tường Lâm

Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng cho biết, truyền tải tinh thần của Chính phủ về việc tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, năm 2023, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2023/NĐ-CP (NĐ 35) phân cấp cho các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh để thực hiện nhiệm vụ thẩm định dự án, thẩm định thiết kế. Hiện nay, khối lượng thẩm định dự án, thiết kế của cơ quan chuyên môn về xây dựng ở địa phương chiếm khoảng 60 - 80%, các bộ chuyên ngành thẩm định dự án, thiết kế khoảng 20%.

Ông Tuấn cho biết, Dự thảo Nghị định sửa đổi NĐ 15 sẽ tiếp tục phân cấp, dự kiến khoảng 80 - 90% công việc thẩm định dự án, thiết kế do cơ quan chuyên môn ở địa phương thực hiện. Bộ chuyên ngành thẩm định dự án quy mô lớn, đặc biệt, quy mô sử dụng đất lớn, công trình đặc biệt, công trình cấp 1, ví dụ như cầu dây văng, nhà cao tầng… Đồng thời, cũng phân quyền cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư thực hiện các nhiệm vụ thẩm định hoặc điều chỉnh dự án, thiết kế đối với những nội dung điều chỉnh không ảnh hưởng lớn đến mục tiêu quản lý nhà nước.

Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định để tháo gỡ những vướng mắc từ thực tiễn, như sửa đổi về trình tự đầu tư xây dựng theo hướng loại bỏ nội dung về quy hoạch chi tiết tại giai đoạn chuẩn bị dự án do có nhiều loại quy hoạch được sử dụng, việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch thực hiện theo pháp luật về quy hoạch; sửa đổi, bổ sung nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, bỏ nội dung đánh giá phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, kế hoạch phát triển đô thị là các nội dung đã được đánh giá tại bước chấp thuận chủ trương đầu tư…

Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, dự kiến khoảng 80 - 90% công việc thẩm định dự án, thiết kế do cơ quan chuyên môn ở địa phương thực hiện. Ảnh: Tường Lâm

Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP, dự kiến khoảng 80 - 90% công việc thẩm định dự án, thiết kế do cơ quan chuyên môn ở địa phương thực hiện. Ảnh: Tường Lâm

Đồng thời, Dự thảo Nghị định có những quy định chặt chẽ hơn để dự án đầu tư phải đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để đầu tư xong phải đưa vào khai thác, sử dụng được, tránh tình trạng nhà thô để không, lãng phí; sửa đổi, bổ sung quy định về ứng dụng khoa học công nghệ và quy định bắt buộc về việc áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM)…

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà đầu tư mong muốn sửa đổi nhanh NĐ 15 để tháo gỡ ách tắc, đẩy nhanh các dự án đầu tư xây dựng, trong đó có dự án sử dụng vốn khác không phải vốn nhà nước. Tuy nhiên, khoản 4 Điều 13 Dự thảo Nghị định quy định đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác, cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định đối với dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án nhóm A và nhóm B có công trình cấp đặc biệt, cấp I; dự án gồm các công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của 2 tỉnh trở lên. Căn cứ quy định về cấp công trình hiện hành, nếu từ cấp I trở lên, rất nhiều dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đều phải trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng bao gồm thẩm định thiết kế cơ sở. Một số ý kiến đề xuất phân cấp mạnh hơn, đối với các dự án có cấp công trình cấp I trở xuống thì giao Sở Xây dựng cấp tỉnh thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng bao gồm thẩm định thiết kế cơ sở.

Tại Văn bản số 410/TTg-CN ngày 12/6/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo khẩn trương rà soát, hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP theo quy trình rút gọn, trình Chính phủ trong tháng 7/2024. Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, rà soát tất cả thủ tục về quy hoạch, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, thiết kế xây dựng công trình, thủ tục cấp phép, cấp chứng chỉ, kiểm tra công tác nghiệm thu..., cắt giảm tối đa giấy tờ, thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết để giảm chi phí thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Xây dựng hoàn thiện quy định về công vụ kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch, tránh gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, ngày càng lành mạnh hóa môi trường đầu tư và ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Chuyên đề