Những “biến tướng” trong đánh giá uy tín nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo quy định tại các mẫu hồ sơ mời thầu (HSMT) được ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, uy tín của nhà thầu được đánh giá thông qua việc tham dự thầu (không thương thảo hợp đồng, có quyết định trúng thầu nhưng không tiến hành hoàn thiện, ký kết hợp đồng); thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và có lịch sử không hoàn thành hợp đồng do lỗi của nhà thầu.

Thực tế cho thấy, mỗi HSMT, chủ đầu tư, bên mời thầu lại vận dụng theo một cách khác nhau trong việc xây dựng nội dung đánh giá này, từ đó phát sinh tiêu cực và kiến nghị của nhà thầu.

Gói thầu TCXD cầu Krông Bông theo yêu cầu của HSMT, để đạt đánh giá về uy tín phải không có hợp đồng tương tự chậm tiến độ hoặc bỏ dở do lỗi của nhà thầu...Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu TCXD cầu Krông Bông theo yêu cầu của HSMT, để đạt đánh giá về uy tín phải không có hợp đồng tương tự chậm tiến độ hoặc bỏ dở do lỗi của nhà thầu...Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tháng 3/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Bên mời thầu) tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Thi công xây dựng cầu Krông Bông thuộc Dự án Bố trí ổn định dân di cư tự do tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc (giá dự toán 36,557 tỷ đồng). Theo yêu cầu của HSMT, để đạt đánh giá về uy tín, bên cạnh việc không có hợp đồng tương tự chậm tiến độ hoặc bỏ dở do lỗi của nhà thầu hoặc chất lượng công trình không đảm bảo, nhà thầu còn phải có xác nhận về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, nộp bảo hiểm xã hội đến trước thời điểm đóng thầu.

Phản đối tiêu chí trên, một nhà thầu cho rằng, tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT và Mục 2, Chương III - HSMT nêu rõ yêu cầu “nhà thầu đã thực hiện nghĩa vụ thuế của năm tài chính gần nhất so với thời điểm đóng thầu”. Quy định này được hiểu là nhà thầu phải đáp ứng yêu cầu đã thực hiện nghĩa vụ thuế của năm 2022. Việc mục uy tín nhà thầu thuộc tiêu chuẩn kỹ thuật tại HSMT yêu cầu nhà thầu có xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế đến trước thời điểm đóng thầu (tháng 3/2023) là không thống nhất, không tuân thủ quy định tại Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT.

“Về nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT và các quy định pháp luật xây dựng chuyên ngành hoàn toàn không có yêu cầu về tiêu chí này. Việc Bên mời thầu đưa yêu cầu không được pháp luật quy định để đánh giá nhà thầu và chấm điểm theo phương pháp đạt/không đạt là hành vi hạn chế nhà thầu”, Nhà thầu nêu quan điểm.

Theo lý giải của Bên mời thầu, người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng áp dụng của Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, trốn/chậm đóng bảo hiểm xã hội là một trong những hành vi bị cấm được quy định tại Điều 17 của Luật này. Mặt khác, khi nhà thầu đảm bảo uy tín nghĩa vụ tài chính với Nhà nước sẽ góp phần duy trì và đẩy nhanh tiến độ thi công. Bên mời thầu khẳng định, đây là các yêu cầu có cơ sở, phù hợp quy định pháp luật.

Tại Hưng Yên, Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Trạm y tế xã Tân Quang có giá dự toán 11,795 tỷ đồng, do UBND xã Tân Quang, huyện Văn Lâm làm chủ đầu tư, cũng bị phản ánh thêm vào HSMT các yêu cầu không được pháp luật quy định. Theo HSMT, để đạt đánh giá về uy tín, nhà thầu phải đáp ứng điều kiện “đã thực hiện tối thiểu 1 hợp đồng tương tự từ cấp III trở lên có giá trị 5,9 tỷ đồng. Đồng thời, đính kèm biên bản nghiệm thu hết bảo hành hoặc xác nhận của chủ đầu tư về việc đã hoàn thành nghĩa vụ bảo hành theo quy định của hợp đồng để minh chứng là nhà thầu đã thực hiện hợp đồng đảm bảo chất lượng”.

Kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu cho thấy, dù đề xuất giá dự thầu thấp nhất, Công ty CP THN Thăng Long bị loại tại bước đánh giá kỹ thuật do không có biên bản nghiệm thu hết bảo hành hoặc xác nhận của chủ đầu tư về việc đã hoàn thành nghĩa vụ bảo hành các hợp đồng tương tự. Nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Trung với giá trúng thầu 11,777 tỷ đồng.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia đấu thầu cho biết, các mẫu HSMT do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành không đề cập đến nghĩa vụ bảo hiểm, nghĩa vụ về thuế hay nghĩa vụ bảo hành như một tiêu chí đánh giá uy tín của nhà thầu. Do đó, việc chủ đầu tư, bên mời thầu thêm vào HSMT các điều kiện không được pháp luật đề cập là hạn chế nhà thầu.

Theo chuyên gia này, cá biệt trường hợp gói thầu chỉ dành cho nhà thầu là doanh nghiệp cấp siêu nhỏ, nhỏ thì mới cần xét đến danh sách tham gia bảo hiểm năm gần nhất để tính số lao động bình quân năm, từ đó xác định quy mô doanh nghiệp dự thầu. Ngoài ra, đối với các gói thầu xây lắp, về bản chất, uy tín nhà thầu được đánh giá thông qua mức độ hoàn thành và chất lượng của các hợp đồng tương tự trong quá khứ. Theo đó, trường hợp nhà thầu tuân thủ tiến độ, chất lượng, hoàn tất ký thanh lý hợp đồng cùng các nghĩa vụ thanh quyết toán, đồng nghĩa nhà thầu đủ điều kiện được đánh giá đạt uy tín trong việc thực hiện các công trình tương tự, không cần xét đến xác nhận hoàn thành nghĩa vụ bảo hành (thường được xác nhận sau 1 đến 2 năm kể từ thời điểm thanh lý hợp đồng, tùy cấp công trình).

Chuyên đề