Đến nay đã có 289 dự án và khoảng 1.293.674 tỷ đồng thực hiện đầu tư theo hình thức PPP. Ảnh: Tiên Giang |
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), bên cạnh các nguồn vốn đầu tư truyền thống bao gồm ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, ODA, vốn đầu tư từ các khu vực ngoài nhà nước thông qua cơ chế PPP (chủ yếu là BOT, BT) đã góp phần thay đổi hình ảnh của các địa phương, cải thiện đáng kể hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng. Cụ thể, đã đưa vào sử dụng hàng nghìn km Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các cầu quy mô lớn như cầu Cổ Chiên, cầu Rạch Miễu, cầu Việt Trì, cầu Yên Lệnh...
Đối với ngành điện, số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, kể từ khi có Nghị quyết 13-NQ/TW về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, ngành điện đã thu hút 233.400 tỷ đồng vào 7 dự án có sự tham gia của khu vực tư nhân. Ngành điện đang thực hiện một số dự án BOT cung cấp điện với quy mô rất lớn, có sự tham gia của cả nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước.
Với con số 289 dự án và khoảng 1.293.674 tỷ đồng thực hiện đầu tư theo hình thức PPP đến nay, Bộ KH&ĐT đánh giá mô hình PPP đã góp phần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và đang trở thành một trong những mô hình hợp tác có hiệu quả giữa Nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam.
Trong giai đoạn tới, nhu cầu đầu tư toàn xã hội cũng như nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng là rất lớn. Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn này theo giá hiện hành dự kiến khoảng 9.120 - 9.750 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 32 - 34% GDP. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu độc lập của Ngân hàng Phát triển châu Á, từ năm 2015 - 2025, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng trung bình hàng năm của Việt Nam khoảng 16,7 tỷ USD (khoảng 367 nghìn tỷ đồng); và theo Ngân hàng HSBC, con số này vào khoảng 17,2 tỷ USD (khoảng 378,4 nghìn tỷ đồng).
Những con số này cho thấy, với nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng tăng, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu, thì dư địa cho việc huy động nguồn vốn dồi dào từ khu vực tư nhân cả trong nước và nước ngoài là rất lớn.
Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, việc thu hút vốn đầu tư tư nhân phát triển kết cấu hạ tầng tại Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu từ nguồn trong nước, trong nhiều trường hợp là các doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng quốc doanh. Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài chỉ hạn chế ở lĩnh vực năng lượng, trong một số dự án BOT nhiệt điện quy mô lớn.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2018 vừa qua, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng chia sẻ mối quan tâm rất lớn đến đầu tư theo hình thức PPP, nhưng vẫn còn những quan ngại đang làm nhụt chí nhà đầu tư nước ngoài. Đó là môi trường đầu tư chưa thực sự an toàn, quy định pháp lý về PPP còn chồng chéo, thiếu tính ổn định và các rủi ro gặp phải trong quá trình thực hiện dự án như rủi ro về giải phóng mặt bằng, chuyển đổi ngoại tệ, rủi ro về doanh thu. Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn lực sẵn sàng để chuẩn bị tham gia dự án hay thực hiện các nghĩa vụ bảo lãnh, bảo đảm cũng làm nhà đầu tư nước ngoài e ngại.
Bộ KH&ĐT cho biết, để thúc đẩy đầu tư theo hình thức PPP thời gian tới, cần xây dựng chiến lược dài hạn phát triển PPP cấp quốc gia; xây dựng, ban hành Luật PPP đảm bảo khung pháp lý riêng biệt, rõ ràng cho việc thực hiện dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công theo hình thức PPP. Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, nên tập trung thực hiện một số dự án PPP tiên phong, đặc biệt ưu tiên, nhằm đẩy mạnh sự quyết liệt cũng như sáng tạo khi triển khai, với mục tiêu thực hiện thành công 1 - 2 dự án PPP trọng điểm nhằm khẳng định năng lực thực hiện và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Ngoài ra, bố trí nguồn lực tài chính và sử dụng các công cụ bảo đảm đầu tư; đẩy mạnh việc hỗ trợ đào tạo, tăng cường năng lực, công khai, minh bạch thông tin...