Ngân hàng rục rịch giảm lãi suất tiền gửi để cơ cấu lại nguồn vốn huy động. Ảnh:HH. |
Biểu lãi suất huy động gần nhất được Ngân hàng Việt Nam thịnh Vượng - VPBank công bố ngày 22/9. Trong đó, khách hàng gửi mới ở kỳ hạn 13 và 15 tháng chỉ được hưởng lãi 6,8% thay vì mức 7% như trước đó. Riêng kỳ hạn 36 tháng, với khoản tiền trên 10 tỷ đồng, nhà băng vẫn giữ mức lãi suất là 7% một năm. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất của ngân hàng.
Không riêng gì nhà băng cổ phần, một số ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối như Vietcombank cũng áp dụng biểu lãi suất gửi tiền đồng mới, trong đó đáng chú ý là kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3%, tức từ mức 5,1% xuống còn 4,8%. Kỳ hạn 6 tháng cũng đã điều chỉnh giảm xuống 5,3% một năm (trước đó là 5,4%). Hiện mức lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 6,5% thuộc về kỳ hạn 12-36 tháng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết từ ngày hôm nay (26/9), một số tổ chức tín dụng (cả cổ phần và Nhà nước) cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động ở các kỳ hạn dưới một năm với mức giảm 0,3-0,5% một năm. Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới một tháng được công bố quanh 0,3-0,5% mỗi năm. Kỳ hạn từ một tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2-4,3% mỗi năm, kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5% một năm...
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho hay, động thái trên chủ yếu là để cơ cấu lại nguồn vốn huy động của nhà băng một cách hợp lý hơn. Ngoài ra, việc hạ lãi suất lần này được xem là cách có thể giúp các nhà băng có thể giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước cũng đánh giá, động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của các nhà băng là giải pháp tích cực, đã được Thống đốc cụ thể hóa cho ngành ngân hàng tại Chỉ thị số 04 về tiết giảm chi phí nhằm cắt giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước khẳng định đã bám sát thị trường, điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, tạo điều kiện để giữ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Thông qua đó, nhà điều hành tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và giảm sức ép lên lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, đồng thời đảm bảo các mục tiêu ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.