Một tàu chở hàng từ Trung Quốc cập cảng Long Beach, California, Mỹ - Ảnh: Reuters. |
Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 2 năm nay đã tăng lên mức cao nhất trong 9 năm rưỡi, trong đó cả xuất khẩu và nhập khẩu đều cao kỷ lục - một tín hiệu cho thấy nhu cầu mạnh cả trong và ngoài nước.
Dữ liệu về thâm hụt thương mại gia tăng của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc áp thuế quan lên hàng hóa của nhau, đặt ra nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump xem việc áp thuế quan là biện pháp để giảm thâm hụt thương mại và bảo vệ các doanh nghiệp trong nước khỏi điều mà ông Trump cho là sự cạnh tranh không bình đẳng của hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng hàng rào thuế quan sẽ không giúp Mỹ đảo ngược được tình trạng thâm hụt này.
"Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh hơn so với hầu hết các nước phát triển khác, nên không có gì là ngạc nhiên khi thâm hụt thương mại của Mỹ tăng", ông Joel Naroff, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Naroff Economic Advisors, nhận định. "Thuế quan tưởng chừng nhà là một cách tốt để điều chỉnh thương mại, nhưng thường làm giá cả tăng hơn là thay đổi các yếu tố nền tảng của thương mại".
Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy thâm hụt thương mại Mỹ trong tháng 2 tăng 1,6% so với tháng 1, đạt mức 57,6 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 10/2008. Đến tháng 2, thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng 6 tháng liên tiếp.
Trong đó, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc - một sự thâm hụt rất nhạy cảm chính trị - đã giảm 18,6% trong tháng 2, còn 29,3 tỷ USD. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm, thâm hụt với Trung Quốc đã tăng 20,2%.
Thâm hụt thương mại của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng, một phần nhờ chính sách tài khóa nới lỏng của chính quyền Trump vào thời điểm mà nền kinh tế Mỹ đang vận hành gần mức công suất tối đa. Kế hoạch cắt giảm thuế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD đã được triển khai vào tháng 1, trong khi chi tiêu của Chính phủ Mỹ trong năm nay sẽ tăng.
Sự tăng trưởng vững vàng của kinh tế Mỹ một lần nữa được thể hiện qua báo cáo do Bộ Lao động nước này công bố ngày 5/4 cho thấy số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 24/3 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/1973.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung hiện chưa được giải quyết, nhưng giới đầu tư tin hai nước sẽ đàm phán để "tháo ngòi" chiến tranh thương mại. Nhờ đó, tỷ giá đồng USD hôm qua đã tăng lên mức cao nhất trong 2 tuần, chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ ba liên tiếp.
Trong tháng 2, xuất khẩu hàng hóa của Mỹ tăng 2,3%, đạt 137,2 tỷ USD, với các mặt hàng tăng xuất khẩu mạnh nhất gồm dầu thô và khí đốt, ô tô, máy bay, thiết bị dầu khí. Xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc trong tháng không thay đổi.
Nhập khẩu hàng hóa của Mỹ trong tháng 2 tăng 1,6%, đạt 214 tỷ USD, chủ yếu do tăng nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm, máy bay dân sự, máy tính và dầu thô. Nhập khẩu dịch vụ đạt kỷ lục 47,8 tỷ USD, so với mức 46,8 tỷ USD vào tháng 1, chủ yếu do tiền bản quyền và phí cấp phép phát sóng các chương trình Thế vận hội mùa đông.
Nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ trong tháng 2 giảm 14,7%.