Giao dịch ngoại tệ tại một ngân hàng cổ phần. Ảnh:PV. |
Việc UBND TP Cần Thơ vừa quyết định xử phạt hành chính 90 triệu đồng với ông Nguyễn Cà Rê vì đổi 100 USD tại một tiệm vàng khiến những người có thói quen giao dịch ngoại tệ qua các kênh không chính thức lo lắng.
Chị Hoàng Thu, một tiểu thương tại chợ Tân Định, TP HCM cho biết, trước giờ chị hay được người thân ở nước ngoài gửi USD về cho, mỗi lần một vài trăm nên thường mang ra tiệm vàng gần nhà đổi.
"Thứ nhất là lúc cần gấp ngoài giờ hành chính vẫn đổi được, giá lại cao hơn ngân hàng", chị nói và cho hay trước giờ cũng biết hành vi này là không được phép nhưng không nghĩ lại bị phạt nặng như vậy, vì có phạt thì chỉ những đơn vị kinh doanh ngoại tệ trái phép thôi.
Đây cũng là ý nghĩ chung của không ít người dân hiện nay chưa hiểu việc mua bán ngoại tệ tại các điểm trái phép khi bị phát hiện sẽ bị phạt nặng và tạm thu số ngoại tệ này.
Trong khi đó, các tiệm vàng, cửa hàng thu đổi ngoại tệ tự do dù biết hoạt động mua bán ngoại tệ bị cấm nhưng hiện vẫn giao dịch bình thường. Tại một số tiệm vàng quanh khu vực chợ Bến Thành, quận 1, khách đến hỏi mua, bán USD bao nhiêu cũng có.
Chiều 24/10, chủ tiệm vàng nơi đây báo giá USD mua vào 23.440 đồng, bán ra 23.490 đồng. Nếu mua bán số lượng nhiều có thể giá sẽ mềm hơn. Khi được hỏi mua bán thế này bị phạt thì làm sao, chủ tiệm cho biết có thể cho nhân viên giao tận nhà để bảo đảm an toàn hoặc khách hàng có thể vào bên trong...
Các tiệm vàng khác ở phố Hà Trung, Hà Nội khi khách gọi điện thoại đến vẫn được báo giá mua bán. Chủ một tiệm vàng cho biết khách có nhu cầu, tiệm vẫn mua bán USD nhưng “đừng lộ liễu quá". Khi đến giao dịch, khách sẽ được dắt vào bên trong tiệm rồi mới lấy ngoại tệ ra, tránh để bị để ý.
Không chỉ vụ xử phạt ở Cần Thơ gây chú ý dư luận, trước đó vào năm 2014, tiệm vàng Hoàng Mai bị cảnh sát quận Bình Thạnh bắt quả tang việc đổi 100 USD cho một nam thanh niên, sau đó bị khám xét, thu giữ gần 15.000 USD và niêm phong 559 lượng vàng. Việc này đã có tác động mạnh vào giới kinh doanh kim hoàn. Tuy nhiên, một chủ tiệm vàng trên đường Lê Lợi, quận 1 cho biết, nếu giờ chỉ mua bán nữ trang mà không có vàng miếng hay ngoại tệ thì doanh thu rất thấp, có khi không đủ trả mặt bằng.
Một chuyên gia kinh tế tại TP HCM nhìn nhận, thị trường tự do không diễn ra công khai các giao dịch, nhưng mua bán ngoại tệ vẫn âm thầm xảy ra, rất khó để phát hiện xử lý. Cơ quan quản lý dù có các đợt kiểm tra cũng chỉ dừng ở các hoạt động thanh toán, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ, quảng cáo bằng ngoại tệ... Lý do là không đủ nhân lực, thời gian để kiểm soát hết các đơn vị. Việc chấp hành các quy định của pháp luật về ngoại hối vẫn trông chờ vào ý thức của đơn vị kinh doanh và người dân.
"Theo quy định, mức phạt nặng cho các hành vi mua bán ngoại tệ trái phép là cần thiết. Nhưng với mức phạt gia tăng gấp nhiều lần chẳng hạn như vụ xử phạt 90 triệu đồng với ông Nguyễn Cà Rê vì đã đổi 100 USD tại một tiệm vàng... là bất hợp lý", vị chuyên gia nói và cho rằng, bản thân người dân cũng khó biết nơi nào mua bán ngoại tệ không hợp pháp.
Riêng các tiệm vàng, theo vị này thì họ biết việc mua bán USD, vàng miếng là vi phạm pháp luật nhưng ở đâu có cầu thì ở đó có cung. Ngoài hệ thống ngân hàng thương mại, số lượng doanh nghiệp tư nhân được phép kinh doanh vàng miếng và ngoại tệ còn ít.
Mạng lưới các ngân hàng thương mại chủ yếu nằm ở nội thành, không phủ đủ khắp thành phố, lại làm việc giờ hành chính nên khi người dân có nhu cầu về vàng miếng, đổi USD thường tới tiệm vàng. Thủ tục giao dịch ngoại tệ tại nhà băng cũng phức tạp trong khi ra tiệm vàng đơn giản, nhanh chóng.
Tuy nhiên, trước vấn đề này, Ngân hàng nhà nước khẳng định hoạt động thu đổi ngoại tệ rất thuận tiện. Ngoài mạng lưới là các điểm giao dịch của ngân hàng thương mại, cả nước còn có 580 điểm thu đổi khác được cấp phép.
Trao đổi về câu chuyện quản lý kinh doanh vàng, ngoại tệ trên địa bàn, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM thừa nhận, nhu cầu của người dân về trao đổi, mua bán và nắm giữ vàng, ngoại tệ là có nhưng hiện TP HCM có hơn 1.000 điểm giao dịch vàng miếng được cấp phép. Với ngoại tệ, ngoài các điểm giao dịch của hệ thống ngân hàng thương mại, thành phố còn cấp phép cho hơn 70 điểm thu đổi ngoại tệ ở sân bay, nhà hàng, khách sạn 3 - 5 sao, các điểm du lịch, một số khu vực trung tâm quận 1, 3... nên có thể đáp ứng được nhu cầu người dân.
Ông Minh cho biết thêm, trước đây trong công tác phối hợp liên ngành kiểm tra giám sát hoạt động này, hàng tháng Ngân hàng Nhà nước cung cấp danh sách các điểm được phép kinh doanh vàng và ngoại tệ về cho các địa bàn quận huyện.
Căn cứ vào đó, cơ quan công an địa phương sẽ tiến hành kiểm tra, nếu nơi nào vi phạm thì bị xử lý. Với những đơn vị không được cấp phép, công an sẽ kiểm tra xử lý, những điểm được cấp phép mà vi phạm trong hoạt động kinh doanh mua bán ngoại tệ, cơ quan công an sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước giải quyết...
Tuy nhiên, theo ông Minh từ khi Nghị định 96 ban hành trong đó quy định lực lượng Công an Thành phố không có thẩm quyền lập biên bản xử lý vi phạm hành chính mà chỉ được lập biên bản ghi nhận sự việc. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác đấu tranh mua bán ngoại tệ, kinh doanh ngoại hối trái pháp luật.
Hiện Công an Thành phố khi phát hiện vụ việc vi phạm chỉ lập biên bản ghi nhận sự việc và chuyển hồ sơ đề nghị Cục thanh tra giám sát Ngân hàng TP HCM (Cục II) xem xét xử lý vi phạm, không thể trình trực tiếp UBND ra quyết định xử phạt do chưa có biên bản vi phạm hành chính. Có những vụ việc khi cơ quan Cục II lập biên bản vi phạm hành chính nhưng mức phạt vượt quá thẩm quyền, lại phải chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan Thanh tra, giám sát ra quyết định xử phạt khiến vụ việc kéo dài, thậm chí quá thời hạn xử lý.
Trước bất cập này, mới đây Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM đã phối hợp với công an, Sở tư pháp Thành phố xây dựng dự thảo văn bản trình UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 96 theo hướng cho phép lực lượng Công an Thành phố có thẩm quyền lập biên bản xử lý hành chính các vụ vi phạm liên quan đến mua bán ngoại tệ.