Lạm phát thấp, vẫn chưa hết lo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Với bối cảnh hiện nay, nhiều tổ chức độc lập như HSBC, BIDV, VNDS dự báo, CPI cả năm của Việt Nam sẽ dưới mức 4,5% như kế hoạch.
Cùng với việc cung ứng đầy đủ hàng hóa, cần kiểm soát giá cả một số nhóm hàng thiết yếu để cuộc sống của nhiều người lao động được đảm bảo. Ảnh: Nhã Chi
Cùng với việc cung ứng đầy đủ hàng hóa, cần kiểm soát giá cả một số nhóm hàng thiết yếu để cuộc sống của nhiều người lao động được đảm bảo. Ảnh: Nhã Chi

Bức tranh vĩ mô không quá lo chỉ tiêu lạm phát, nhưng trước việc nước ta có trên 1 triệu người thất nghiệp (tính đến hết quý I/2023), nhiều ý kiến đề xuất, việc tăng giá dịch vụ công cũng như một số mặt hàng thiết yếu cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đồng thời với việc chú trọng hỗ trợ đời sống các hộ gia đình đang chật vật trong khó khăn…

Lạm phát trong tầm kiểm soát

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023 do một số nguyên nhân. Cụ thể, giá xăng dầu, giá gas trong nước giảm theo giá thế giới. Những hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá như dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện sinh hoạt chiếm tỷ trọng 12,87% trong tổng chi tiêu dùng của dân cư đã được Chính phủ điều hành thận trọng trong 6 tháng đầu năm 2023.

Qua diễn biến giá cả thị trường nửa đầu năm, cùng với dự kiến điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý trong năm 2023, Tổng cục Thống kê dự báo CPI cả năm 2023 chịu tác động của một số yếu tố. Cụ thể, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do Nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và giáo dục sẽ tác động mạnh tới CPI. Cùng với đó, giá điện có thể tiếp tục tăng khi giá nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đã ở mức cao.

Để kiểm soát lạm phát năm 2023 đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, Tổng cục Thống kê kiến nghị về việc bảo đảm đầy đủ nguồn cung hàng hóa, kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, cân nhắc mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

Một số tổ chức nghiên cứu độc lập dự báo lạm phát những tháng cuối năm sẽ tăng, song vẫn có thể được kiểm soát trong mức mục tiêu đã đặt ra. Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo CPI bình quân năm 2023 sẽ tăng 3,3%.

Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo, chỉ số CPI 6 tháng cuối năm sẽ thấp hơn nửa đầu năm. Tuy nhiên, các yếu tố tạo áp lực lên lạm phát vẫn còn như giá dầu và giá hàng hóa thế giới cao; lộ trình tăng giá của các mặt hàng do Nhà nước quản lý… Dự báo lạm phát cả năm nhiều khả năng sẽ tăng 3,8 - 4,2%, thấp hơn so với mục tiêu 4,5%. Điều này cũng góp phần củng cố dư địa cho các chính sách tài khóa và tiền tệ đang triển khai.

Theo nhóm nghiên cứu của Ngân hàng HSBC, rủi ro tăng giá vẫn kéo dài. Thứ nhất, đà lạm phát thực phẩm đã tăng trong tháng 6, phản ánh qua giá thịt heo tăng cao. Tuy nhiên, áp lực về giá đến từ nhu cầu cao hơn do hoạt động du lịch phục hồi, chứ không phải vì gián đoạn nguồn cung giống các đợt dịch trước đây. Ngoài ra, tác động của El Nino cho thấy cần phải theo dõi sản xuất nông nghiệp một cách chặt chẽ, đặc biệt là với các loại lương thực thiết yếu như gạo.

Cân nhắc thời điểm tăng giá hàng thiết yếu, dịch vụ công

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp do tổng cầu suy yếu cùng với tăng trưởng cung tiền thấp đã khiến chỉ số CPI nửa đầu năm tăng thấp. Theo phân tích của ông Độ, trong vòng 1 năm qua, CPI chỉ tăng trung bình 0,17%/tháng. Với giả định tốc độ này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, CPI tháng 12/2023 so với cùng kỳ sẽ tăng ở mức 1,7% và lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ ở mức 2,5%. Theo đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát là hoàn toàn đạt được.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, trong lúc sức cầu của nền kinh tế yếu, nhiều doanh nghiệp điêu đứng, người lao động khó khăn do thiếu việc, mất việc làm, việc điều chỉnh giá dịch vụ công cần thêm những cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là về liều lượng và thời điểm bởi có thể khiến nhiều người dân khó khăn lại càng thêm cơ cực.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, xét về khía cạnh vĩ mô, chỉ số lạm phát năm nay không đáng lo ngại. Tuy nhiên, xét về đời sống người dân, dù CPI tăng ở mức thấp, nhưng một số nhóm hàng thiết yếu, đặc biệt là nhóm dịch vụ công tăng giá, sẽ khiến cho nhiều người lao động thêm khó khăn.

Bên cạnh hơn 1 triệu người thất nghiệp, nhiều gia đình đang ở tình cảnh thu nhập thấp trong khi nỗi lo tăng giá hàng hóa/dịch vụ thiết yếu luôn thường trực. “Do đó, cơ quan chức năng cần tính toán tác động của việc tăng giá các nhóm hàng riêng lẻ, đặc biệt là nhóm dịch vụ công thiết yếu để có giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội kịp thời, ổn định đời sống người dân”, ông Việt nhấn mạnh.

Chuyên đề