Kinh tế tháng 8: Duy trì ổn định vĩ mô, nhưng nhiều lĩnh vực khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hôm nay (4/9), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8/2020, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua, thảo luận giải pháp, định hướng phát triển những tháng cuối năm và nhiều nội dung quan trọng khác .
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đạt trên 337 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đạt trên 337 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong tháng 8, cả nước đã tập trung mọi nỗ lực tiếp tục thực hiện mục tiêu kép đã đề ra, vừa kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả với nhiều giải pháp mới, hạn chế tối đa sự bùng phát đợt 2 của dịch trong năm 2020, vừa đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, nhất là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công bằng nhiều hành động cụ thể thông qua các đoàn công tác của lãnh đạo Chính phủ và Hội nghị trực tuyến với các địa phương.

Nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. CPI tháng 8 tăng 0,07% so với tháng trước, giảm 0,12% so với tháng 12/2019 - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.

Các bộ, ngành địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công; giải ngân tháng 8 tăng 45,4%; 8 tháng năm 2020 tăng 30,4%, cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bảo đảm an ninh lương thực. Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng đạt trên 337 tỷ USD, tăng 0,03%; xuất khẩu đạt trên 174 tỷ USD, tăng 1,6%; xuất khẩu khu vực trong nước đạt gần 61 tỷ USD, tăng 15,3%). Có 27 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD. Xuất siêu trên 11,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

Sản xuất công nghiệp đối mặt nhiều khó khăn cả về cung do chuỗi cung ứng bị đứt gãy vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và về cầu do thương mại thế giới giảm mạnh và thị trường trong nước còn yếu. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp, khoảng 2,2% - thấp nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo chỉ tăng 3,7% (cùng kỳ tăng 10,6%). Một số ngành giảm sâu như sản xuất xe có động cơ (-14%); khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (-11,4%); sản xuất mô tô, xe máy (-9,5%); sản xuất da (-4,3%); chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (-4%)...

Thu ngân sách Nhà nước đạt thấp, 8 tháng ước đạt gần 882 nghìn tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán, giảm 12,4% so với cùng kỳ.

Thị trường tiền tệ, tín dụng nhìn chung ổn định. Tín dụng đối với nền kinh tế có tăng trưởng nhưng ở mức thấp, tính đến ngày 26/8 mới đạt 4,23%, chủ yếu là do cầu tín dụng của nền kinh tế giảm, các doanh nghiệp chưa giải quyết được vấn đề thị trường đầu ra, nhất là thị trường xuất khẩu không có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất.

Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (tính chung 8 tháng có gần 89 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2%). Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 27,9%; doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể giảm 5,9% và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 1,9%.

Khu vực dịch vụ trong tháng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bùng phát đợt 2, đặc biệt là ngành du lịch nội địa, lưu trú, lữ hành. Lượng khách hủy tour trong tháng lên đến 95 - 100%; công suất buồng phòng bình quân chỉ đạt khoảng 10 - 20%; các trung tâm du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa... Vận tải hành khách giảm mạnh, đặc biệt đối với hàng không khi lượng khách giảm hơn 30% so với trước khi dịch bùng phát.

Sức mua thị trường trong nước yếu, người dân có tâm lý tiết giảm chi tiêu do giảm sút thu nhập, hạn chế đi lại, du lịch, vui chơi, giải trí... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng giảm 2,7% so với tháng trước; tính chung 8 tháng giảm 0,02% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 4,5% (cùng kỳ tăng 9,5%).

Bộ KH&ĐT nhận định khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp.

Tại Phiên họp, Chính phủ sẽ tập trung thảo luận các biện pháp cần làm ngay nhằm hoàn thành các mục tiêu ở mức cao nhất cũng như những giải pháp mang tính vĩ mô để tạo đà cho tăng trưởng ngay từ ngày đầu tháng đầu năm 2021.

Theo chương trình, tại Phiên họp, Chính phủ nghe, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2020; tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020, dự toán NSNN năm 2021 và kế hoạch tài chính NSNN 3 năm quốc gia 2021 - 2023; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; tình hình triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP về phát triển Chính phủ điện tử, báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả kiểm tra của Tổ công tác tháng 8/2020…

Chuyên đề