Bản tin thời sự sáng 8/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ACV vay 1,8 tỷ USD để đầu tư sân bay Long Thành; Tân Tạo, Thuduc House bị dừng làm thủ tục hải quan vì nợ thuế; Ngân hàng Agribank Chi nhánh Sài Gòn rao bán khu nghỉ mát bỏ hoang ở Côn Đảo để thu nợ…

ACV vay 1,8 tỷ USD để đầu tư sân bay Long Thành

Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) sẽ vay 1,8 tỷ USD từ 3 ngân hàng quốc doanh trong 20 năm, để làm sân bay Long Thành.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được xây dựng

Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được xây dựng

Kế hoạch vay vốn này được Hội đồng quản trị ACV thông qua. Theo đó, Vietcombank là ngân hàng đầu mối và đại lý quản lý tài sản bảo đảm của khoản vay. Còn VietinBank và BIDV sẽ cho vay, tài trợ vốn.

Tài sản bảo đảm của khoản vay này là tài sản hình thành từ dự án, các hạng mục được phép thế chấp (đang có hoặc sẽ hình thành trong tương lai).

Khoản vay 1,8 tỷ USD (gần 46.000 tỷ đồng) từ 3 nhà băng này sẽ được ACV dùng để đầu tư Dự án thành phần 3 - một trong 4 phần của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Đây là dự án gồm các công trình thiết yếu (như nhà ga hành khách, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các hạng mục khác), với mức đầu tư 99.000 tỷ đồng.

Như vậy, số vốn ACV vay từ 3 ngân hàng quốc doanh chiếm khoảng 50% mức đầu tư của dự án thành phần này.

Sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ có công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Toàn bộ Dự án chia thành 3 giai đoạn, vốn đầu tư khoảng 336.630 tỷ đồng (trên 16 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn 1 trên 114.000 tỷ đồng, dự kiến khai thác vào quý IV/2026.

3 tháng đầu năm 2024, ACV ghi nhận doanh thu hơn 5.660 tỷ đồng, lãi trên 2.920 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 79% so với cùng kỳ. Năm nay, doanh nghiệp này đặt kế hoạch doanh thu 20.325 tỷ đồng và lãi trước thuế 9.378 tỷ đồng.

Tân Tạo, Thuduc House bị dừng làm thủ tục hải quan vì nợ thuế

Tân Tạo, Thuduc House bị dừng làm thủ tục hải quan, còn LDG bị cưỡng chế trích tiền từ tài khoản do nợ thuế quá hạn 90 ngày.

Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) có diện tích gần 200 ha

Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) có diện tích gần 200 ha

Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TP.HCM) quyết định cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan với hàng hóa xuất nhập khẩu của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA). Quyết định này được đưa ra sau đề nghị của Cục Thuế TP.HCM.

Theo cơ quan thuế, Tân Tạo nợ thuế quá hạn trên 136 tỷ đồng. Quyết định dừng thủ tục hải quan với công ty này có hiệu lực trong một năm (tính từ 2/5) và sẽ chấm dứt khi doanh nghiệp nộp đủ khoản nợ vào ngân sách.

Doanh nghiệp này là chủ đầu tư Khu công nghiệp Tân Tạo với tổng diện tích theo quy hoạch hơn 443 ha.

3 tháng đầu năm 2024, Tân Tạo ghi nhận hơn 71 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng trên 16% so với cùng kỳ 2023. Lãi trước thuế hơn 20 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý I, tổng tài sản của ITA là hơn 12.100 tỷ đồng.

Ngoài ITA, nhà chức trách cũng dừng làm thủ tục hải quan với Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức - Thuduc House (TDH), do nợ gần 92 tỷ đồng tiền thuế. Thời điểm này 2 năm trước, Công ty cũng bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn do chưa đóng lãi chậm nộp thuế gần 125 tỷ đồng.

Đây là lần thứ 6 từ đầu năm 2020 đến nay, doanh nghiệp này nhận quyết định xử phạt liên quan đến thuế từ Cục Thuế TP.HCM.

Cùng bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan với hàng hóa xuất nhập khẩu còn có Công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển công nghiệp tàu thủy phía Nam, Công ty TNHH Thương mại Tân Vinh Thái với lý do tương tự.

Tại Đồng Nai, Chi cục thuế khu vực Trảng Bom - Thống Nhất (Cục Thuế Đồng Nai) quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản với Công ty CP Đầu tư LDG (LDG). Số tiền LDG bị cưỡng chế là hơn 19,4 tỷ đồng, gồm tiền nợ thuế và chậm nộp quá 90 ngày.

Đây không phải là lần đầu LDG bị cưỡng chế thuế. Trước đó, tháng 1/2023, công ty này cũng bị cưỡng chế hơn 7,8 tỷ đồng do chậm nộp.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I, Công ty LDG ghi nhận doanh thu âm hơn 130 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ âm 125 tỷ đồng, tăng hơn gấp rưỡi mức cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng Agribank Chi nhánh Sài Gòn rao bán khu nghỉ mát bỏ hoang ở Côn Đảo để thu nợ

Agribank Chi nhánh Sài Gòn sẽ bán đấu giá khu du lịch nghỉ mát Việt Nga, tại Bến Đầm, Côn Đảo để xử lý khoản nợ hơn 370 tỷ đồng.

Dự án khu du lịch nghỉ mát Việt Nam tại khu vực Bến Đềm, Côn Đảo nhìn từ xa

Dự án khu du lịch nghỉ mát Việt Nam tại khu vực Bến Đềm, Côn Đảo nhìn từ xa

Đây là 1 trong 2 tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty TNHH Việt Nga - chủ đầu tư dự án khu nghỉ mát trên, tại Ngân hàng Agribank Chi nhánh Sài Gòn theo 3 hợp đồng tín dụng năm 2011, 2013 và 2015.

Tính đến cuối tháng 4, giá trị khoản nợ của Công ty Việt Nga tại nhà băng này khoảng 370,5 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 183,6 tỷ đồng, nợ lãi hơn 186,8 tỷ đồng.

Để xử lý khoản nợ này, Agribank sẽ chọn tổ chức để bán đấu giá tài sản hình thành trong tương lai là toàn bộ công trình xây dựng và máy móc, thiết bị của khu du lịch nghỉ mát Việt Nga tại Bến Đầm, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Dự án này có 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với tổng diện tích hơn 7,2 ha. Thời hạn sử dụng đất đến hết ngày 27/6/2057.

Dự án khu du lịch nghỉ mát Việt Nga có tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng, trong đó vốn phân bổ cho giai đoạn 1 khoảng 200 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, khu nghỉ mát này sẽ có khoảng 125 phòng, diện tích nhỏ nhất 35 m2 và lớn nhất 135 m2. Dự án được khởi công từ cuối năm 2011. Khi đó, đây được kỳ vọng là khu du lịch đầu tiên ở khu vực Bến Đầm, Côn Đảo.

Đến giữa năm 2014, chủ đầu tư đã hoàn thiện được phần thô và dự kiến đón khách vào cuối năm. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án này chưa thể hoàn thành và bị bỏ hoang.

Hiện, Tổng giám đốc của công ty này là ông Nguyễn Văn Hòa. Với vốn điều lệ gần 92 tỷ đồng, Công ty Việt Nga thay đổi đăng ký doanh nghiệp lần gần nhất hồi tháng 10/2023.

Ngoài khu nghỉ dưỡng này, Agribank cũng đấu giá một căn chung cư rộng 85,5 m2 tại Phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM để xử lý nợ của Công ty Việt Nga. Về pháp lý, đây là căn hộ sở hữu lâu dài.

Theo thông báo của Ngân hàng, giá khởi điểm cho 2 tài sản này dự kiến từ 370,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức giá này sẽ thay đổi căn cứ giá trị ghi sổ của khoản nợ tại thời điểm ra thông báo bán đấu giá.

Tây Ninh gọi đầu tư khu nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Bà Đen

Khu tham quan, nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Bà Đen gần 70 ha nằm trong danh mục thu hút đầu tư tại Tây Ninh năm 2024.

Tây Ninh gọi đầu tư khu nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Bà Đen

Tây Ninh gọi đầu tư khu nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Bà Đen

Tỉnh Tây Ninh vừa công bố danh mục dự án ưu tiên đầu tư năm nay, trong đó có 3 dự án du lịch với tổng diện tích hơn 1.300 ha. Cụ thể, Khu tham quan chuyên đề, nghỉ dưỡng trên đỉnh núi Bà Đen có diện tích gần 70 ha, nằm ở xã Thạnh Tân, TP. Tây Ninh. Dự án được đầu tư theo đồ án quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt, nhằm đưa Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hóa, tâm linh, vui chơi giải trí, thể thao và du lịch sinh thái.

Tỉnh Tây Ninh cũng gọi đầu tư Dự án trồng dược liệu dưới tán rừng kết hợp du lịch sinh thái, dịch vụ y khoa rộng 1.200 ha tại xã Hòa Hội, huyện Châu Thành. Dự án sẽ được cho thuê môi trường rừng để xây kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Dự án thứ ba là Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, thể thao đa chức năng ở vùng phụ cận Khu di tích lịch sử căn cứ Tỉnh ủy tại Bời Lời, huyện Trảng Bàng, quy mô gần 64 ha.

Danh mục ưu tiên đầu tư còn có 6 khu đô thị, quy mô hơn 600 ha, tập trung ở TP. Tây Ninh, thị xã Trảng Bàng, Hòa Thành, các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu. Dự án có quy mô lớn nhất là Khu đô thị phụ cận Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen ở TP. Tây Ninh với diện tích gần 270 ha. Khu đô thị sẽ được quy hoạch, bố trí đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và phát triển nhiều loại hình nhà ở.

Năm nay, Tỉnh cũng kêu gọi đầu tư 15 dự án nhà ở với tổng diện tích gần 70 ha. Một số dự án quy mô lớn là Khu nhà ở thương mại phía đông thị trấn Tân Biên (16,2 ha), Khu nhà ở thương mại Thanh Điền (17 ha) hay Khu nhà ở thương mại phía bắc công viên trung tâm thị trấn Dương Minh Châu (13,6 ha).

Ngoài ra, Tỉnh còn mời đầu tư nhiều dự án trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ, nông nghiệp, kho bãi, khu sản xuất, giáo dục...

Quý I/2024, thu hút đầu tư trong nước của Tây Ninh đạt hơn 2.450 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái. Tỉnh Tây Ninh hiện có 701 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với vốn đăng ký gần 133.600 tỷ đồng.

Nhập khẩu thép cán nóng tăng vọt, 2 bộ được yêu cầu vào cuộc

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng thời gian vừa qua.

Nhập khẩu thép cán nóng (HRC) tăng mạnh trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024

Nhập khẩu thép cán nóng (HRC) tăng mạnh trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024

Ngày 7/5, theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, cơ quan này vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính liên quan đến các dữ liệu về lượng nhập khẩu thép cán nóng (HRC) tăng vọt trong thời gian vừa qua.

Các dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 3 năm trở lại đây, nhập khẩu thép cán nóng vào Việt Nam tăng rất mạnh.

Chỉ tính trong năm 2023, tổng lượng nhập khẩu thép cán nóng HRC vào Việt Nam lên tới 9,64 triệu tấn, tăng hơn 1,5 triệu tấn so với lượng nhập khẩu trong năm 2022 là 8,1 triệu tấn.

Bước sang năm 2024, chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm, nhập khẩu thép cán nóng HRC đạt 3 triệu tấn, gấp 1,5 lần so với lượng sản xuất trong nước.

Văn phòng Chính phủ cho biết, về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng thời gian vừa qua để chủ động thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng ngành sản xuất trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Trong khi đó, theo Tổng cục Hải quan, trị giá nhập khẩu nhóm hàng sắt thép các loại và sản phẩm trong tháng 3 đạt 1,52 tỷ USD, tăng 31,4%, tương ứng tăng 364 triệu USD so với tháng 2/2024.

Nhập khẩu thép cán nóng (HRC) tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm là một trong những yếu tố chính thúc đẩy kim ngạch nhập khẩu sắt thép các loại đạt 4,1 triệu tấn với trị giá 2,93 tỷ USD, tăng 49,6% về lượng và tăng 29,1% về trị giá.

Tới 2025, Lạch Huyện có thêm 4 bến cảng mới

Các bến số 3, 4, 5, 6 cảng biển Lạch Huyện dự kiến sẽ cùng đi vào hoạt động vào năm 2025, nâng tính cạnh tranh tại khu vực.

Dự kiến, dự án xây dựng bến 3,4 cảng biển Lạch Huyện sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 trong quý I/2025

Dự kiến, dự án xây dựng bến 3,4 cảng biển Lạch Huyện sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 trong quý I/2025

Tin từ Công ty CP Cảng Hải Phòng (chủ đầu tư bến cảng số 3, 4 tại Lạch Huyện), tổng khối lượng thi công Dự án Đầu tư xây dựng bến số 3, 4 Lạch Huyện đã đạt hơn 70%. Một số hạng mục như bến container đã thi công xong nền cọc và 100% mặt bê tông. Bến sà lan đã hoàn thành thi công bê tông toàn bộ bến.

Với công tác xử lý nền, hiện đã thi công cắm bấc thấm 17,3/19,7 ha, đắp cát gia tải đạt khoảng 12,7 ha. Dự kiến, Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào quý I/2025 và hoàn thành toàn bộ Dự án trong năm 2025.

Dự án Đầu tư xây dựng bến số 5, 6 (Công ty CP Tập đoàn Hateco làm chủ đầu tư) cũng đang bám sát tiến độ với tổng sản lượng đã đạt hơn 65%, dự kiến sẽ hoàn thành và bắt đầu khai thác trong năm 2025.

Như vậy từ năm 2025, tại khu vực cảng Lạch Huyện sẽ có thêm 4 bến mới đưa vào khai thác, bên cạnh hai bến số 1,2 của Công ty TNHH Cảng container Quốc tế Hải Phòng (HICT) làm chủ đầu tư.

Với việc đưa vào khai thác 4 bến mới, năng lực cảng biển tại khu vực Lạch Huyện sẽ được nâng lên.

Hiện nay, bến cảng số 1, 2 (TC-HICT) có quy mô gồm 2 bến cảng container dài 750m và các hạng mục đường, bãi, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị đồng bộ. Có thể tiếp nhận tàu container, tàu tổng hợp trọng tải 100.000 DWT đầy tải, công suất thiết kế ban đầu khoảng 1,1 triệu Teu/năm. Cảng cũng đang đầu tư, bổ sung đầu tư thiết bị để nâng công suất thiết kế lên khoảng 1,4 triệu Teu/năm.

Năm 2023, sản lượng hàng hoá thông qua cảng TC-HICT đạt trên 1,2 triệu Teu (vượt công suất thiết kế ban đầu).

Với dự án bến số 3, 4 có quy mô gồm 750 m bến cho tàu 100.000 DWT (khoảng 8.000 Teu) và công suất thiết kế khoảng 1,1 triệu Teu/năm.

Bến số 5, 6 có quy mô 2 bến có chiều dài 900m (450 m/bến) tiếp nhận cỡ tàu container đến 12.000 Teu - 18.000 Teu phù hợp với điều kiện tiếp nhận của kết cấu hạ tầng liên quan và đáp ứng các yêu cầu về an toàn hàng hải…

Công ty Danh Khôi Holdings lại bị phạt hơn 283 triệu đồng vì tự ý chuyển mục đích sử dụng đất

Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất nông nghiệp... sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, Công ty CP Đầu tư Danh Khôi Holdings bị phạt tổng cộng hơn 283 triệu đồng.

Do sai phạm sử dụng đất nên đến nay nhiều ngôi nhà tại phường Long Toàn, TP. Bà Rịa vẫn chưa có sổ đỏ

Do sai phạm sử dụng đất nên đến nay nhiều ngôi nhà tại phường Long Toàn, TP. Bà Rịa vẫn chưa có sổ đỏ

Ngày 7/5, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ban hành quyết định xử phạt Công ty CP Đầu tư Danh Khôi Holdings (gọi tắt là Công ty Danh Khôi Holdings) vì chuyển mục đích sử dụng đất khi không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Theo quyết định xử phạt, Công ty Danh Khôi Holdings đã có các hành vi: chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép sang đất phi nông nghiệp đối với diện tích 2.233,8 m2 thuộc các thửa: 172, 185, 186, 133, 119, 206, thuộc tờ bản đồ số 31 và thửa 405, tờ 35 tại phường Long Toàn, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép đối với diện tích 1.630,7m2 đất thuộc một phần các thửa: 134, 125, 93, 118, tờ bản đồ số 31 và thửa số 18, tờ bản đồ số 30 phường Long Toàn, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài ra, công ty này còn nhận chuyển nhượng các thửa 134, 127, 360, tờ 31; thửa 405, tờ 35 phường Long Toàn, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổng diện tích 2.160,5 m2 mà không đủ điều kiện quy định tại Điều 193 Luật Đất đai.

Với 3 hành vi trên, Công ty Danh Khôi Holdings bị xử phạt tổng cộng hơn 283 triệu đồng.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc Công ty Danh Khôi Holdings nộp lại hơn 181 triệu đồng là số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2023, Công ty Danh Khôi Holdings từng bị Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phạt 240 triệu đồng về các hành vi tổ chức thi công xây dựng hạng mục công trình khu nhà ở phía đông rạch Thủ Lựu (TP Bà Rịa) sai nội dung giấy phép xây dựng được Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp vào tháng 1/2019 và xây dựng không phép hạng mục nhà điều hành của trạm xử lý nước thải.

Chuyên đề