Cuối tuần tới, Bộ Tài chính Italy có thể sẽ phải giải cứu nhà băng lớn thứ 3 nước này - Monte dei Paschi. Quỹ trên cũng sẽ được dùng để cứu các ngân hàng khác.
Thành lập năm 1472, Monte dei Paschi được cho là ngân hàng lâu đời nhất thế giới. Nhà băng này đã phải ngừng giao dịch cổ phiếu sáng hôm qua, sau khi giá xuống thấp nhất từ khi IPO năm 1999.
Tuy nhiên, khi giao dịch trở lại, cổ phiếu này lại bị ngừng lần nữa trong phiên chiều, vì các thông tin cho biết kế hoạch tăng vốn của nhà băng này có nguy cơ đổ vỡ.
Ngân hàng này đang cố huy động 5 tỷ euro để giải cứu chính mình. Nhưng hiện tại, họ mới có 500 triệu euro. Nếu không thành công, Chính phủ Italy sẽ phải vào cuộc.
Monte dei Paschi đã trượt bài kiểm tra áp lực (stress test) hồi tháng 7, do có hàng tỷ euro nợ xấu. Tình huống hiện tại còn tồi tệ hơn. Thủ tướng mới của Italy - Paolo Gentiloni đã cam kết không để nhà băng này sụp đổ, do có thể gây tác động xấu lên ngành ngân hàng vốn đã rất nặng nợ của nước này. Bên cạnh đó, nó cũng đe dọa tiền tiết kiệm của hàng nghìn người Italy.
Khoản cứu trợ 20 tỷ euro đã được thông qua tại cả Thượng viện và Hạ viện Italy. Theo đó, Chính phủ có thể đi vay số tiền cần thiết để cung cấp "mức thanh khoản hợp lý cho hệ thống ngân hàng", đồng thời hỗ trợ các nhà băng bằng cách "bảo lãnh phát hành cổ phiếu mới".
Bộ trưởng Tài chính Italy - Pier Carlo Padoan cho biết tác động của gói cứu trợ này lên người gửi tiền là "không đáng kể". Còn Ủy ban châu Âu (EC) tiết lộ họ đã lưu ý đề nghị của Chính phủ Italy với Quốc hội nước này, về việc thay đổi một số mục tiêu tài chính công.