Grab mở dịch vụ giao hàng thực phẩm

Động thái cho thấy Grab đang chuyển mình thành một công ty công nghệ tiêu dùng, thay vì chỉ là một ứng dụng gọi xe...
Dịch vụ giao hàng thực phẩm có thể đặt Grab vào thế cạnh tranh trực tiếp với những công ty như Amazon.com, RedMart hay Lazada - Ảnh: Reuters.
Dịch vụ giao hàng thực phẩm có thể đặt Grab vào thế cạnh tranh trực tiếp với những công ty như Amazon.com, RedMart hay Lazada - Ảnh: Reuters.

Grab ngày 10/7 chính thức mở dịch vụ giao hàng thực phẩm, đặt cược rằng mạng lưới gồm 7,1 triệu tài xế, nhà đại lý và người bán hàng sẽ giúp công ty mở rộng hoạt động bên ngoài mảng ứng dụng gọi xe tại thị trường Đông Nam Á.

Chiến lược cung cấp cho người sử dụng những dịch vụ hàng ngày thông qua một nền tảng mở phản ánh tham vọng của Grab nhằm giữ vững vị thế thống lĩnh thị trường trong bối cảnh đối thủ Go-Jek chi 500 triệu USD để tấn công vào một loạt thị trường mới gồm Thái Lan, Singapore và Việt Nam.

Go-Jek, ứng dụng gọi xe chính ở Indonesia hiện nay, đã mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực thanh toán số, giao hàng thực phẩm, dọn nhà và massage - theo hãng tin Reuters.

Grab thì đang chuyển mình thành một công ty công nghệ tiêu dùng, thay vì chỉ là một ứng dụng gọi xe đơn thuần, thông qua cung cấp các khoản vay, dịch vụ chuyển tiền điện tử, thanh toán, và giao hàng thực phẩm. Dịch vụ giao hàng thực phẩm GrabFresh sẽ chuyển thực phẩm đến tận tay khách hàng theo yêu cầu.

"Chúng tôi tin rằng bằng cách cung cấp những dịch vụ hàng ngày với mức độ địa phương hóa cao, sẽ ngày càng có nhiều người sử dụng và gắn bó với nền tảng của chúng tôi", ông Anthony Tan, 36 tuổi, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Grab, phát biểu.

"Khi đã đạt được điều đó, chúng tôi sẽ có thêm nhiều đối tác, và công ty sẽ phát triển theo một đường xoắn ốc đi lên. Rất tốt cho kinh doanh", ông Tan nói.

Đối với GrabFresh, Grab cho biết sẽ hợp tác với công ty giao hàng thực phẩm HappyFresh tại thị trường Đông Nam Á.

Dịch vụ mới này có thể đặt Grab, công ty có trụ sở ở Singapore, vào thế cạnh tranh trực tiếp với những công ty như Amazon.com, RedMart hay Lazada. Tất cả những công ty này đều đã có dịch vụ giao hàng thực phẩm mua trực tuyến tại Singapore.

Grab sẽ thử nghiệm GrabFresh tại Jakarta trong tháng này, rồi mở rộng sang Thái Lan và Malaysia vào cuối năm. Tiếp đó, dịch vụ này sẽ được triển khai tại các quốc gia khác trong khu vực.

Grab, công ty hiện có 5.000 nhân viên, mở rộng hoạt động dựa trên nguồn vốn của các nhà đầu tư như Softbank từ Nhật Bản hay Didi Chuxing từ Trung Quốc. Tháng trước, hãng xe Nhật Bản Toyota nhất trí bơm cho Grab 1 tỷ USD, trong một vụ rót vốn mà nguồn thạo tin nói là định giá Grab ở mức hơn 10 tỷ USD.

Grab hiện có hơn 6 triệu cuốc xe mỗi ngày tại hơn 200 thành phố ở 8 quốc gia, so với mức chỉ 2,5 triệu cuốc xe mỗi ngày cách đây 1 năm. Nhờ đó, Grab đã trở thành một trong những ứng dụng gọi xe lớn nhất thế giới.

Grab kỳ vọng sẽ đạt doanh thu 1 tỷ USD trong năm 2018. Khi được hỏi về kế hoạch lên sàn chứng khoán, ông Tan nói đó là điều mà công ty "sẽ nghĩ đến, nhưng chắc chắn không phải vào lúc này".

Chuyên đề