Bên mời thầu: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu
Nội dung kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Tiêu chí HSMT:
Tại Mục 2.2a Tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự chủ chốt Chương IIITiêu chuẩn đánh giá HSDT, HSMT yêu cầu 05 nhân sự chủ chốt là Chủ nhiệm công trình (01 người); Đội trưởng (03 người) phải có Chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý cấp. Nhân sự Kiểm tra chất lượng sản phẩm (01 người) phải có Chứng chỉ hành nghề kiểm tra nghiệm thu do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý cấp còn hiệu lực. Các nhân sự này bắt buộc là nhân sự thuộc nhà thầu.
Kiến nghị/đề nghị làm rõ của nhà thầu:
Ngày 18/01/2024, qua nghiên cứu nội dung HSMT đã được đăng tải, Nhà thầu thấy rằng, tiêu chí nêu trên là không phù hợp và không đúng với quy định của Luật Đo đạc và Bản đồ năm 2018. Cụ thể như sau:
Về yêu cầu nhân sự chủ chốt thuộc nhà thầu, Nhà thầu cho rằng, yêu cầu này không tuân thủ hướng dẫn tại Mẫu số 3B ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT. Theo đó, nhân sự chủ chốt có thể thuộc biên chế của nhà thầu hoặc do nhà thầu huy động. Nhà thầu phải chứng minh khả năng huy động các nhân sự chủ chốt đáp ứng yêu cầu của HSMT. Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 47/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước, thì việc lập HSMT không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự của nhà thầu như: Yêu cầu nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự đang ký hợp đồng với nhà thầu.
Về yêu cầu nhân sự chủ chốt phải có chứng chỉ hành nghề đo đạc bản đồ cá nhân, Nhà thầu cho rằng, điểm b khoản 1 Điều 52 Luật Đo đạc và Bản đồ quy định như sau: “b) Người phụ trách kỹ thuật về đo đạc và bản đồ phải có trình độ từ đại học trở lên thuộc chuyên ngành về đo đạc và bản đồ; có thời gian hoạt động thực tế ít nhất là 05 năm phù hợp với ít nhất một nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ của tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoặc có chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ hạng I quy định tại Điều 53 của Luật này; không được đồng thời là người phụ trách kỹ thuật về đo đạc và bản đồ của tổ chức khác”. Như vậy, chứng chỉ hành nghề đo đạc được hiểu chỉ có thể sử dụng như một loại giấy tờ thay thế để chứng minh năng lực, kinh nghiệm của nhân sự chủ chốt.
Trong khi đó, khoản 2 Điều 53 Luật Đo đạc và Bản đồ 2018 quy định: “Công dân Việt Nam hành nghề đo đạc và bản đồ độc lập phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với công việc thực hiện; chứng chỉ có thời hạn ít nhất là 5 năm và được gia hạn”. Như vậy, theo quy định, chứng chỉ hành nghề chỉ bắt buộc đối với cá nhân hoạt động đo đạc bản đồ độc lập. Nghĩa là, cá nhân hành nghề đo đạc bản đồ nhưng đang không hoạt động trong một cơ quan, tổ chức nào. Đối với các cá nhân có bằng cấp chuyên môn được đào tạo phù hợp, đang hoạt động trong đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện và tổ chức này đã được Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cấp Giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ đang còn hiệu lực, thì không bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề đo đạc bản đồ. Việc đồng thời yêu cầu giấy phép đo đạc và bản đồ đối với tổ chức tham gia dự thầu và yêu cầu đối với từng cá nhân trong khi nhân sự đã đáp ứng yêu cầu về bằng cấp chuyên ngành, kinh nghiệm trong các công việc tương tự, theo nhà thầu, là không phù hợp với quy định của Luật Đo đạc và Bản đồ 2018, gây hạn chế cạnh tranh.
Nhà thầu đề nghị Chủ đầu tư xem xét, chỉnh sửa, bỏ điều kiện 05 nhân sự chủ chốt nêu trên phải có chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ do Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý cấp còn hiệu lực. Vì điều kiện này đưa vào là không cần thiết và được hiểu là điều kiện hạn chế các nhà thầu tham gia Gói thầu này.
Dẫn chiếu quy định của pháp luật, bình luận, phân tích của chuyên gia:
Một chuyên gia thuộc Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, theo quy định của Luật Đo đạc và Bản đồ năm 2018, chứng chỉ hành nghề chỉ bắt buộc đối với cá nhân hoạt động độc lập và áp dụng đánh giá nhà thầu là cá nhân dự thầu với tư cách chuyên gia tư vấn. Đối với tổ chức, để hoạt động đo đạc bản đồ cần có giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ, trong đó, nội dung được cấp phép đã yêu cầu phải có lực lượng kỹ thuật được đào tạo về đo đạc và bản đồ đáp ứng yêu cầu thực hiện các nội dung đề nghị cấp giấy phép theo quy định của Chính phủ. “Do đó, yêu cầu chứng chỉ này đối với cả trường hợp nhân sự thuộc tổ chức tham dự thầu là không phù hợp với quy định chuyên ngành”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Theo chuyên gia đấu thầu, Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT quy định, chỉ yêu cầu bằng cấp, chứng chỉ của nhân sự trong trường hợp pháp luật chuyên ngành có yêu cầu về bằng cấp/chứng chỉ chuyên môn. Như vậy, trường hợp thêm vào HSMT các dạng chứng chỉ hành nghề nằm ngoài phạm vi của pháp luật chuyên ngành là điều kiện hạn chế nhà thầu.
Trả lời, giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Ngày 22/01/2024,Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lai Châu có văn bản trả lời Nhà thầu như sau:
Điều 53 Luật Đo đạc và Bản đồ số 27/2018/QH14 do Quốc hội thông qua ngày 14/6/2018 nêu rõ: “Chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ là văn bản xác nhận năng lực hành nghề, do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều này và có giá trị trong cả nước”.
- Chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ là văn bản xác nhận năng lực hành nghề, do cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều này và có giá trị trong cả nước.
- Mỗi chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ cấp cho một hoặc một số nội dung hành nghề theo Danh mục hành nghề đo đạc và bản đồ; công dân Việt Nam hành nghề đo đạc và bản đồ độc lập phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với công việc thực hiện; chứng chỉ có thời hạn ít nhất là 05 năm và được gia hạn.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật Đo đạc và Bản đồ năm 2018, để được cấp chứng chỉ hành nghề, cá nhân phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật;
- Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề;
- Đã qua sát hạch kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
Do tính chất công việc cần nhân sự có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực chất cho các vị trí chủ chốt đảm bảo thực hiện Gói thầu đúng kế hoạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm của Dự án.
Tại khoản 1 Điều 58 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 ngày 23/06/2023 quy định: Phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp đối với Phương pháp giá thấp nhất:
a) Phương pháp giá thấp nhất được áp dụng đối với gói thầu mà các đề xuất về kỹ thuật, tài chính, thương mại được coi là cùng một mặt bằng khi đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ mời thầu;
b) Nhà thầu có hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch (nếu có), trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất được xếp hạng thứ nhất. Theo đó, việc Gói thầu (Mã TBMT: IB2400002540) đã áp dụng phương pháp giá thấp nhất là hoàn toàn đúng quy định. Cụ thể: Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật: Nhà thầu tham gia phải đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật: nhân sự tham gia phải có trình độ và có kinh nghiệm và được chứng minh qua bằng cấp, chứng chỉ, các công trình đã thực hiện,…;
Trên cơ sở đó, Gói thầu là gói thầu dịch vụ phi tư vấn có yếu tố đặc thù, phức tạp, cần thiết phải có nhân sự có trình độ phù hợp, lao động lành nghề, nhiều kinh nghiệm đảm nhận. Vì vậy, tiêu chuẩn đánh giá về nhân sự chủ chốt trong HSMT yêu cầu về nhân sự tham gia thực hiện Gói thầu là cần thiết, không mang tính chất hạn chế các nhà thầu tham gia.
5. Kết quả giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Các nội dung đã phát hành của HSMT giữ nguyên.
Nhà thầu trúng thầu: Liên danh Công ty cổ phần Đo đạc và Khoáng sản - Công ty cổ phần Tư vấn Geopro.