Gỡ vướng đấu giá cho thuê tài sản công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc sử dụng tài sản công cho các mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết để tạo nguồn thu tại chỗ thời gian qua chưa hiệu quả như mong muốn. Theo ông Ngô Gia Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam, khi ban hành văn bản hướng dẫn Luật Đất đai 2024 cần xác định rõ đối tượng sử dụng đất để có các chính sách phù hợp, không để ách tắc trong việc đấu giá đối với loại tài sản này.
Ông Ngô Gia Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam

Ông Ngô Gia Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam

Thưa ông, việc sử dụng tài sản công cho các mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết để tạo nguồn thu tại chỗ đối với đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) đang được thực hiện theo quy định nào?

Theo quy định tại Luật Quản lý tài sản công, việc kinh doanh, cho thuê trực tiếp hoặc liên doanh, liên kết chỉ được thực hiện trên diện tích chưa sử dụng hết công suất của các công trình thuộc đơn vị SNCL hoặc nhà đất dôi dư, chưa có nhu cầu sử dụng và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt vào đề án theo quy định tại Điều 44 Nghị định 151/2017/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc xây dựng đề án sẽ phải nộp tiền thuê đất, tính khấu hao tài sản (không được ngân sách cấp sửa chữa, cải tạo đối với diện tích này theo đề án) và phải xác định tiền thuê đất theo Điều 42 Nghị định 151/2017/NĐ-CP như doanh nghiệp.

Hiện nay, việc tính tiền thuê đất được quy định tại Nghị định 123/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Theo đó, việc xác định tiền thuê đất được phân bổ theo tỷ trọng doanh thu (trong trường hợp không tách được diện tích đất) hoặc tính theo diện tích đất (nếu xác định được riêng diện tích cho thuê, liên doanh liên kết). Tuy nhiên, việc tính tiền thuê đất cho các đối tượng này tương đối phức tạp, khó xác định do một số quy định chưa rõ ràng.

Mặc dù trụ sở của các đơn vị SNCL thường ở vị trí đẹp, nhưng có một số hạn chế như: phải sử dụng chung với hoạt động thường xuyên của đơn vị nên không đảm bảo tính chuyên nghiệp như các diện tích do doanh nghiệp đầu tư, thủ tục phức tạp, phải qua đấu giá và “sử dụng vào mục đích phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị”. Do đó, tính cạnh tranh không cao, việc xác định hiệu quả kinh tế của đề án không rõ ràng dẫn đến khó xây dựng được đề án hoặc đề án hiệu quả kinh tế thấp, khó được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Theo báo cáo của nhiều địa phương, việc đấu giá mặt bằng cho thuê còn rất hạn chế về số lượng, hầu hết là cơ sở nhà đất của các đơn vị SNCL trong lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao… Đâu là những bất cập trong chính sách ảnh hưởng tới vấn đề này?

Sự bất cập về quản lý tài sản công đến từ sự chưa phù hợp giữa chính sách với đặc thù về yêu cầu, điều kiện kinh doanh, cho thuê trực tiếp với mặt bằng thị trường dẫn đến bế tắc trong huy động nguồn kinh phí hỗ trợ tự chủ tài chính.

Cụ thể, việc giao tự chủ cho đơn vị SNCL là để giảm thiểu chi trực tiếp ngân sách, tuy nhiên trong nhiều trường hợp việc khoán này chưa xem xét đến nguồn thu thực tế của đối tượng áp dụng có đủ khả năng tự chủ hay không. Việc lập đề án kinh doanh, cho thuê hay liên doanh liên kết là quy định sáng suốt của Luật Quản lý tài sản công, tuy nhiên thiếu hướng dẫn chi tiết để khi lập đề án, đơn vị SNCL và cơ quan có thẩm quyền phê duyệt có đầy đủ căn cứ xác định trường hợp áp dụng hình thức kinh doanh hoặc cho thuê trực tiếp.

Mặt khác, giá cho thuê không được cao xuất phát từ các nhược điểm của điều kiện quy định đối với hoạt động kinh doanh, cho thuê phải đảm bảo “sử dụng vào mục đích phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị” từ diện tích tận dụng do chưa sử dụng hết công suất; cơ sở vật chất hạn chế xuất phát từ thực tế là địa điểm, diện tích kinh doanh, cho thuê trực tiếp của các công trình thuộc đơn vị SNCL thường có mức đầu tư không cao, người thuê phải cải tạo để đảm bảo sử dụng đúng mục đích, nhu cầu dẫn đến phát sinh chi phí; hình thức cho thuê trực tiếp thường thông qua đấu giá, vẫn bị thu hồi trong thời gian nhất định để phục vụ nhiệm vụ được giao của bên cho thuê dẫn đến hạn chế đầu tư… Các điều kiện này dẫn đến hạn chế nhu cầu thuê, khó cho thuê và chưa tận dụng được vị trí của tài sản cho thuê, giá cho thuê không thể cạnh tranh được với thị trường do các tổ chức, cá nhân cho thuê địa điểm không phải đáp ứng các điều kiện này.

Với nhiều hạn chế như vậy, nếu tính đủ tiền thuê đất theo quy định thì hoạt động kinh doanh, cho thuê này không còn hiệu quả, dẫn đến việc lập đề án chỉ có tính đối phó, làm cho có.

Luật Đất đai 2024 sắp có hiệu lực đưa ra quy định đối với các trường hợp đơn vị SNCL có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ. Làm thế nào để việc triển khai quy định này đạt hiệu quả cao hơn, thưa ông?

Tại điểm d Điều 157 Luật Đất đai năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua quy định trường hợp đơn vị SNCL có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì được lựa chọn chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất đối với phần diện tích đó và sẽ được áp dụng hình thức miễn hoặc giảm tiền thuê đất.

Tuy nhiên, Luật Đất đai không quy định riêng đối tượng miễn hoặc giảm tiền thuê đất và thẩm quyền hoàn toàn thuộc Chính phủ theo quy định tại khoản 3 Điều 157 giao cho Chính phủ quy định việc tính, nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Do đó, việc xem xét tạo nguồn thu tại chỗ để đơn vị SNCL tự chủ tài chính, giảm chi trực tiếp từ ngân sách cần có các chính sách phù hợp với thực tế, khuyến khích tính tự chủ của đơn vị thực hiện.

Để triển khai hiệu quả, theo tôi, khi Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn Luật Đất đai, cần xác định đối tượng sử dụng đất là đơn vị SNCL có nhu cầu sử dụng đất theo điểm d khoản 1 Điều 157 thuộc đối tượng miễn tiền thuê đất đối với diện tích kinh doanh, cho thuê trực tiếp để hỗ trợ đơn vị có nguồn thu sự nghiệp, giảm chi phí hành chính trong việc phải xác định diện tích tính tiền thuê đất (nếu chỉ được giảm tiền thuê đất), tăng hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng tài sản công là nhà đất.

Cùng với đó, bổ sung quy định cụ thể về trường hợp đơn vị SNCL sử dụng diện tích chưa sử dụng hết công suất tự kinh doanh như bể bơi, sân bóng, sân, đường, vườn, nhà thi đấu trong ngắn hạn (dưới 15 ngày) và không liên tục sẽ chỉ phải tính hao mòn (không phải tính khấu hao tài sản và chi phí hợp lý) để tránh phức tạp trong việc phân định diện tích thường xuyên sử dụng, hoạt động theo chức năng nhiệm vụ với hoạt động kinh doanh không sử dụng hết công suất để tăng hiệu quả kinh tế của đề án.

Việc quy định rõ ràng như vậy sẽ khuyến khích các đơn vị SNCL hoàn thiện đề án sử dụng tài sản công theo đúng quy định của pháp luật, khuyến khích đơn vị sử dụng diện tích có hiệu quả, tránh tình trạng để lãng phí diện tích do đề án chưa được phê duyệt, hoặc cố tình làm sai để đảm bảo đủ nguồn kinh phí hoạt động.

Chuyên đề