Tỷ lệ nội địa hóa trong khối chế tạo của doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam là 32,1%. Ảnh: LTT |
Tìm “mối” cho đầu ra
Mới đây, tại TP.HCM đã diễn ra buổi kết nối DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nhật - ASEAN. Buổi kết nối theo mô hình triển lãm ngược, đó là bên mua (các DN FDI, tập đoàn lớn từ Nhật, các nước ASEAN) trưng bày các sản phẩm và bên bán (các DN công nghệ hỗ trợ Việt Nam) tìm đến những khách hàng mà họ mong muốn cùng hợp tác để được làm nhà cung ứng.
Hơn 300 DN tại TP.HCM thuộc các lĩnh vực cung ứng linh kiện điện - điện tử, khuôn mẫu, ép phun, gia công cơ khí, gia công kim loại, gia công đúc nhựa, gia công đúc cao su, xử lý nhiệt - bề mặt… đã tham gia vào buổi kết nối với mong muốn được làm nhà cung cấp cho các tập đoàn nước ngoài.
Tuy nhiên, vấn đề bà Oanh còn băn khoăn là khoảng cách giữa bên bán (các DN nội) và bên mua (các tập đoàn nước ngoài) vẫn còn quá lớn. Nhất là quy mô của đa phần các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là DN nhỏ và vừa, do giới hạn về vốn và mặt bằng sản xuất nên khó đảm đương nổi các đơn hàng lớn từ phía đối tác.
Hỗ trợ thị trường tiêu thụ
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho rằng cần hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể như tổ chức kết nối cung - cầu vật liệu, linh kiện trong sản xuất công nghiệp. Ngoài ra, cần tổng hợp nhu cầu của các DN, tập đoàn FDI tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao, lập hồ sơ DN công nghiệp hỗ trợ để giới thiệu cho các DN FDI có nhu cầu. Hơn nữa, cần hỗ trợ đào tạo kỹ năng, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng ISO... cho các DN công nghiệp hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu của đối tác nước ngoài.
Nói về tình hình cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam hiện nay, theo ông Yasuzumi Hirotaka, Trưởng Văn phòng đại diện JETRO tại TP.HCM, trong năm 2015, tỷ lệ nội địa hoá (tính riêng khối chế tạo) của Việt Nam là 32,1%, giảm 1% so với năm trước và thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Tỷ lệ linh, phụ kiện được cung ứng bởi DN nội địa mới chỉ chiếm 13,2%, riêng các DN ở khu vực phía Nam thì đạt tỷ lệ 17,1%.
Theo đánh giá của Sở Công Thương TP.HCM, hoạt động đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ mới trong giai đoạn xây dựng cơ chế, chính sách, triển khai lập dự án. Một số dự án đã khởi công xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động nên chưa đáp ứng đầy đủ nguyên, phụ liệu cho sản xuất hàng hoá.
Giới chuyên gia lưu ý, các DN công nghiệp hỗ trợ ở TP.HCM đang rất cần Nhà nước hỗ trợ mặt bằng sản xuất. Ngoài ra, cần có lộ trình định hướng DN chuyển đổi phương thức từ gia công xuất khẩu sang làm chủ thiết kế.