Mở cửa giao dịch sáng 26/4, giá vàng trong nước được các doanh nghiệp niêm yết quanh mốc 56 triệu đồng/lượng. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN |
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng SJC được điều chỉnh giảm 300 nghìn đồng/lượng ở chiều bán và 200 nghìn đồng/lượng ở chiều mua so với cuối tuần qua, niêm yết ở mức 55,15 - 55,65 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trong khi đó, giá vàng SJC tại Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý được niêm yết ở mức 55,25 - 55,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với cuối tuần qua.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giảm khoảng 1% theo số liệu từ FactSet.
Chuyên gia cấp cao về phân tích thị trường của OANDA Edward Moya cho hay, giá vàng chịu tác động xấu trong vài tháng qua do lợi suất trái phiếu tăng, nhưng hiện giá kim loại quý này đã tăng khá nhiều. Chuyên gia Moya cho biết thêm triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn có nhiều biến động và giới đầu tư sẽ được chứng kiến nhiều biện pháp thận trọng hơn trong quý tới.
Carsten Fritsch, nhà phân tích tại ngân hàng Commerzbank cho rằng, để giá vàng có thể vọt lên mức 1.800 USD/ounce, thị trường phải chứng kiến sự đảo ngược dòng chảy vốn của các quỹ trao đổi vàng. Theo nhà phân tích này, lượng vàng chảy khỏi các quỹ ETF đã chậm lại, với mức trung bình hàng ngày trong tháng Tư đạt 1,5 tấn, thấp hơn so với mức tương ứng gần 6 tấn trong tháng Ba.
Ông Fritsch dự báo các quỹ ETF sẽ tăng lượng nắm giữ vàng và giá kim loại quý này sẽ tăng trở lại trong nửa cuối năm. Ngoài ra, một số nhà phân tích thị trường cũng cho rằng giá vàng có khả năng tăng do căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Nga.
Stephen Innes, Giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của công ty dịch vụ tài chính Axi cũng cho biết, tác động từ việc đề xuất tăng thuế đang thu hút các nhà đầu tư trái phiếu và lợi suất đã giảm, điều này tạo ra một chút khởi sắc cho vàng. Câu hỏi lớn mà thị trường vàng phải đối mặt hiện nay là quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong cuộc họp vào tuần tới./.