Tính đến ngày đầu tuần, giá dầu WTI đã giảm liên 6 phiên, còn giá dầu Brent đã có 5 phiên giảm trong vòng 6 phiên. |
Giá dầu thế giới ngày 6/11 tiếp tục xu hướng giảm, khi giới đầu tư lo ngại rằng sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể kéo theo nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Nỗi lo này đang lấn át mối lo về sự suy giảm nguồn cung dầu sau khi lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu lửa Iran được áp đặt trở lại từ ngày 5/11.
Lúc hơn 9h sáng theo giờ Việt Nam, giá dầu WTI giao tháng 12 tại New York giảm 0,16 USD/thùng, tương đương giảm gần 0,3% so với đóng cửa phiên ngày thứ Hai, còn 62,94 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 1 tại London giảm 0,3 USD/thùng, tương đương giảm 0,4%, còn 72,87 USD/thùng.
Tính đến ngày đầu tuần, giá dầu WTI đã giảm liên tiếp 6 phiên, còn giá dầu Brent đã có 5 phiên giảm trong vòng 6 phiên.
Theo hãng tin Reuters, giới phân tích nói rằng những dự báo về sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu trong những tháng sắp tới đang đè nặng lên tâm trí các nhà đầu tư dầu lửa, khiến nhà đầu tư không còn bận tâm nhiều đến rủi ro về sự suy giảm nguồn cung sau khi Mỹ tái áp trừng phạt ngành dầu lửa Iran.
Hồi đầu tháng 10, giá dầu tăng mạnh và đạt đỉnh 4 năm do thị trường lo rằng lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khiến nguồn cung dầu Iran sụt mạnh và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) sẽ không có đủ khả năng bù đắp. Tuy nhiên, giờ đây, tâm điểm chú ý của thị trường lại là những dấu hiệu về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Tính đến tuần trước, các quỹ đầu cơ ở Mỹ đã có tuần thứ 5 liên tiếp bán ròng các hợp đồng tương lai và quyền chọn dầu lửa.
Theo ông Jameel Ahmad, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường thuộc công ty môi giới hợp đồng tương lai FXTM, cho rằng lệnh trừng phạt đối với Iran đã được phản ánh vào giá dầu từ lâu, bởi vậy giờ là lúc thị trường sẽ "tập trung nhiều hơn vào triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu vì những bấp bênh tiếp diễn đang gây sức ép lên triển vọng kinh tế".
Theo vị chuyên gia, sự giảm tốc về tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu mới là những rủi ro chính đối với giá dầu trong những tháng sắp tới.
Đồng tiền mất giá đang gây sức ép lớn đối với những nền kinh tế tăng trưởng chủ chốt ở khu vực châu Á, gồm Ấn Độ và Indonesia. Bên cạnh đó, tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang đe dọa tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Về mặt nguồn cung, sản lượng dầu toàn cầu đang dồi dào, bất chấp lệnh trừng phạt đối với Iran. Mỹ đã cấp miễn trừ để 8 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italy, Hy Lạp, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ, được tiếp tục nhập dầu Iran trong vòng 180 ngày mà không phải chịu sự trừng phạt của Mỹ.
Sản lượng dầu của ba nước sản xuất "vàng đen" lớn nhất thế giới, gồm Nga, Mỹ và Saudi Arabia, đều đang tăng mạnh.
Tổng sản lượng dầu từ 3 nước này trong tháng 10 đã lần đầu tiên vượt mốc 33 triệu thùng, đồng nghĩa với việc chỉ riêng 3 nước đã có thể đáp ứng 1/3 nhu cầu tiêu thụ dầu khoảng 100 triệu thùng/ngày của cả thế giới.