Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2020: Cải tiến, giảm bớt thủ tục cho nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Dự thảo Nghị định được đánh giá cao trong việc tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, có nhiều cải tiến để giảm bớt thủ tục hành chính cho nhà đầu tư.

Dự thảo Nghị định hướng đến việc tháo gỡ khó khăn, cải tiến để giảm bớt thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Ảnh minh họa: Internet
Dự thảo Nghị định hướng đến việc tháo gỡ khó khăn, cải tiến để giảm bớt thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Ảnh minh họa: Internet

Tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021) diễn ra ngày 19/11/2020 tại Hà Nội, nhiều ý kiến của doanh nghiệp, luật sư, nhà quản lý và chuyên gia đều đánh giá cao Dự thảo Nghị định trong việc tháo gỡ khó khăn, có nhiều cải tiến để giảm bớt thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, đặc biệt là xử lý vướng mắc cho nhà đầu tư tại các dự án trong giai đoạn chuyển tiếp, các dự án đang đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất nhưng chưa có kết quả lựa chọn nhà đầu tư.

Ông Hoàng Mạnh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một trong những mục tiêu chính của Dự thảo Nghị định là hướng dẫn thực hiện một số quy định của Luật Đầu tư 2020 nhằm cải cách thủ tục hành chính trong toàn bộ quá trình thực hiện dự án đầu tư, từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thành lập tổ chức kinh tế đến triển khai, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư và các hoạt động kinh doanh. Qua đó, khắc phục những bất cập, chồng chéo giữa các quy định liên quan đến đầu tư kinh doanh, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đặc biệt là quan hệ giữa các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án.

Trong Dự thảo Nghị định, nội dung được nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia đặc biệt quan tâm chính là quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong Luật Đầu tư 2020, được hướng dẫn cụ thể tại Điều 26 Dự thảo Nghị định.

Theo đó, Cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư theo một trong các thủ tục: chấp thuận chủ trương đầu tư và giao cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Sau khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, cơ quan được giao tổ chức đấu giá, đấu thầu quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá, đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai, đấu thầu trong 2 trường hợp: nhà đầu tư được lựa chọn theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu; đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký hoặc đấu giá không thành theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá hoặc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư đồng thời là Quyết định chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án.

Bà Hoàng Hải Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam đánh giá, Dự thảo Nghị định đã rất nỗ lực trong việc tháo gỡ nhiều khó khăn cho nhà đầu tư, có nhiều cải tiến và giảm bớt thủ tục hành chính cho nhà đầu tư, minh bạch và rạch ròi trong một số quy định về đầu tư liên quan đến các quy định pháp luật chuyên ngành. Góp ý hoàn thiện Dự thảo Nghị định, bà Hoàng Hải Anh đề nghị bổ sung quy định đối với các dự án chuyển tiếp đầy đủ hơn; có quy định về hình thức xử phạt đối với cán bộ để minh bạch thực hiện các thủ tục hành chính; có quy định rõ ràng hơn với dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo; quy định rõ về các trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư...

Còn ông Phạm Văn Tuấn - đại diện Công ty CP Tập đoàn Vingroup cho rằng, hiện nay, Dự thảo Nghị định mới có quy định chuyển tiếp với dự án đang đấu thầu, đấu giá, chỉ quy định với dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư. Ông Tuấn đề xuất Dự thảo Nghị định cần có quy định về dự án đã có quyết định về chủ trương đầu tư, đang triển khai đấu thầu, đấu giá nhưng chưa có kết quả lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện tiếp các bước theo quy trình như quy định trước đó để đảm bảo sự ổn định về chính sách, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong thực hiện các dự án này.

Theo ý kiến của đại diện Công ty CP Tập đoàn FLC, quy định tại Điều 26 của Dự thảo Nghị định có thể được hiểu rằng, ngay sau lần đấu giá quyền sử dụng đất đầu tiên mà chỉ có một người đăng ký tham gia hoặc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký hoặc trường hợp đấu giá không thành thì cũng có thể xác định được nhà đầu tư để giao đất, cho thuê đất. Dự thảo quy định này có thể mâu thuẫn với quy định tại Điều 118 Luật Đất đai 2013 (trường hợp không có người tham gia hoặc trường hợp chỉ có 1 người đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất 2 lần nhưng không thành thì Nhà nước thực hiện việc giao đất, cho thuê đất mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất). Công ty CP Tập đoàn FLC đề nghị, để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, Dự thảo Nghị định cần quy định rõ nội dung này và được áp dụng thay thế quy định tại Luật Đất đai 2013.

Chuyên đề