Dự án PPP nên được quản lý theo “đầu ra”

(BĐT) - Nhiều chuyên gia cho rằng, đối với dự án vừa phải đảm bảo mục tiêu công và mục tiêu thu lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư như dự án PPP thì nên quản lý theo “đầu ra”, thay vì quản lý theo “đầu vào” như tại các dự án đầu tư công truyền thống. 
Khung pháp lý về PPP đang được hoàn thiện với tinh thần xuyên suốt là tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong thực hiện dự án. Ảnh: Nhã Chi
Khung pháp lý về PPP đang được hoàn thiện với tinh thần xuyên suốt là tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong thực hiện dự án. Ảnh: Nhã Chi

Quản lý như vậy sẽ tạo chủ động cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai, thực hiện dự án.

Thay đổi cách thức quản lý dự án PPP

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đối với một dự án, hiệu quả đầu tư nên được xem xét trên khía cạnh hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả tài chính. Với dự án PPP, bên cạnh đảm bảo mục tiêu công còn phải đạt được mục tiêu thu lợi nhuận hợp lý cho nhà đầu tư. Vì vậy, việc xác định hiệu quả đầu tư cần được quán triệt xuyên suốt quá trình chuẩn bị đầu tư và tổ chức triển khai dự án.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số nhà đầu tư cho biết, thời gian qua, nhiều dự án PPP bị vướng mắc vì các cơ quan quản lý nhà nước vẫn nặng tư duy quản lý dự án PPP như dự án sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước. Thực tế, với dự án PPP, nhà đầu tư phải bỏ vốn, theo đuổi dự án trong một khoảng thời gian dài, nên việc áp đặt một quy trình thực hiện giống với các dự án đầu tư công thông thường là không phù hợp. Việc này sẽ làm nản lòng nhà đầu tư và nguy cơ Nhà nước mất cơ hội thu hút đầu tư tư nhân là hiện hữu.

Ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra Bộ KH&ĐT cho rằng, để có được những dự án PPP chất lượng, đảm bảo được các mục tiêu bền vững, thì cần phải thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước về PPP. Nhà nước cần tạo tính chủ động cho nhà đầu tư trong quá trình triển khai, thực hiện dự án. Đặc biệt, cơ quan quản lý không nên can thiệp “thô bạo” vào những công việc nội bộ của nhà đầu tư.

Thực tế thời gian qua cho thấy, một số dự án PPP gặp nhiều vướng mắc trong triển khai cũng như trong quá trình vận hành. Điều này có nguyên nhân gốc rễ từ việc sử dụng cách thức quản lý chưa phù hợp đối với loại hình dự án này. Nhiều cơ quan quản lý nhà nước vẫn lấy “mẫu” quy trình dự án đầu tư công truyền thống để “áp” cho quy trình thực hiện dự án PPP, mà chưa tính đến yếu tố đặc thù. Đây là nguyên nhân khiến thời gian lập, thẩm định một số dự án PPP bị kéo dài. 

Xác định rõ các yêu cầu “đầu ra”

Nhiều cơ quan quản lý nhà nước vẫn lấy “mẫu” quy trình dự án đầu tư công truyền thống để “áp” cho quy trình thực hiện dự án PPP, mà chưa tính đến yếu tố đặc thù.
Từ thực tiễn tổng kết các dự án PPP thời gian qua, Bộ KH&ĐT nhận định, nếu dự án PPP được quản lý theo “đầu ra” thì sẽ tạo sự chủ động, sáng tạo cũng như nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư trong suốt vòng đời dự án. Tuy nhiên, việc này sẽ tạo thách thức cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc phải xác định rõ các yêu cầu đầu ra nhằm đạt được mục tiêu quản lý.

Trong quá trình chuẩn bị và triển khai, dự án PPP có đặc thù là có sự tham gia của nhiều cơ quan được phân cấp thực hiện các nhiệm vụ liên quan như lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi; lập, thẩm định, phê duyệt tài liệu đấu thầu và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư. Do đó, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, cần phải nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án PPP nói riêng. Đặc biệt, đối với các dự án PPP sử dụng vốn nhà nước hoặc hưởng các ưu đãi, hỗ trợ từ phía Nhà nước, cần ban hành một số chế tài xử lý vi phạm để hạn chế các hành vi tư lợi, gây hậu quả xấu đối với việc triển khai dự án.

Khung pháp lý về PPP đang tiếp tục được hoàn thiện, với tinh thần xuyên suốt là cởi mở, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, đồng thời vẫn quản lý dự án PPP một cách hiệu quả, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng. Với mục tiêu các dự án PPP phải được đầu tư hiệu quả, dự thảo Luật PPP mà Bộ KH&ĐT dự kiến xây dựng sẽ quy định cụ thể cách thức lập dự án, công cụ thẩm định dự án cũng như giám sát, quản lý hợp đồng phù hợp để tạo điều kiện phát huy tính sáng tạo của nhà đầu tư.

Chuyên đề