Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Bộ Giao thông vận tải “trần tình” về chênh lệch giữa 2 phương án đầu tư

(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có thông cáo báo chí giải thích về con số chênh lệch hơn 32 tỷ USD giữa 2 phương án đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo đó, trong văn bản mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ về đầu tư dự án nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ước tính, tổng vốn đầu tư dự án này chỉ khoảng 26 tỷ USD áp dụng cho đường sắt tốc độ 200 km/h; trong khi trước đó Bộ GTVT đề xuất phương án đầu tư dự án này với tàu tốc độ 350 km/h thì tổng vốn đầu tư là 58,7 tỷ USD.

Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT đường sắt và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2017, Bộ GTVT đã tổ chức rà soát các nghiên cứu trước đây về Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và tổ chức nghiên cứu cập nhật, bổ sung. Quá trình triển khai, Bộ GTVT đã tổ chức 4 hội nghị, hội thảo chuyên đề và các báo cáo (đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ) để xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan và các chuyên gia. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã trực tiếp làm việc, có ý kiến chính thức bằng văn bản của 20/20 địa phương có dự án đi qua; lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan tại Văn bản 12919/BGTVT-KHĐT ngày 14/11/2018 về việc góp ý hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

Cho đến thời điểm 5/1/2019, Bộ GTVT đã nhận được ý kiến của 9/10 bộ, ngành cơ bản thống nhất với hồ sơ đề xuất của Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về phạm vi, quy mô, phương án công nghệ...; căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành về lập tổng mức đầu tư dự án, tư vấn trong nước (với sự hỗ trợ của tư vấn nước ngoài) đã đề xuất tổng mức đầu tư Dự án là 58,7 tỷ USD.

Với tổng mức đầu tư rất lớn, phương án phân kỳ đầu tư bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu vận tải nhằm đảm bảo hiệu quả Dự án, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng đã nghiên cứu khả năng huy động nguồn lực nhằm giảm áp nợ công của nền kinh tế.

Theo đó, có 2 phương án phân kỳ đầu tư. Thứ nhất là phương án phân kỳ theo chiều ngang, đầu tư hoàn chỉnh và khai thác đồng bộ đường sắt tốc độ cao trên từng đoạn, tốc độ thiết kế là 350 km/h. Cụ thể, Giai đoạn 1 (dự kiến từ 2020 - 2032) sẽ đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang với tổng mức đầu tư dự kiến là 24,7 tỷ USD. Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050) sẽ đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang để nối thông toàn tuyến (mặc dù được phân thành 2 giai đoạn nhưng thực chất đây là một quá trình đầu tư liên tục) với tổng mức đầu tư là 33,98 tỷ USD.

Thứ 2 là phương án phân kỳ theo chiều dọc, đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao và phân kỳ đối với việc đầu tư thiết bị, phương tiện vận tải và phương thức khai thác. Theo đó, Giai đoạn 1 (dự kiến từ 2020 - 2032) sẽ đầu tư hạ tầng toàn bộ tuyến Hà Nội - TP.HCM đảm bảo tốc độ thiết kế 350 km/h nhưng chưa điện khí hóa, mua sắm đoàn tàu diezel để khai thác riêng tàu khách trên toàn tuyến với vận tốc khai thác tối đa 150 km/h với tổng mức đầu tư là 41,980 tỷ USD. Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050) sẽ tiến hành điện khí hóa, nâng cấp hệ thống thông tin tín hiệu, mua sắm đoàn tàu tốc độ cao thay thế tàu diezel để khai thác trên toàn tuyến với tổng mức đầu tư là 17,11 tỷ USD.

Bộ GTVT cho rằng, kết quả nghiên cứu của Bộ GTVT cũng như ý kiến của Bộ KH&ĐT về tổng vốn đầu tư của Dự án liên quan đến quy mô đầu tư Dự án... sẽ tiếp tục được Bộ GTVT có ý kiến, giải trình, làm rõ trong quá trình thẩm định của Hội đồng Thẩm định Nhà nước.

Chuyên đề