Tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp

(BĐT) - Bàn về con số doanh nghiệp (DN) giải thể là bất thường hay không có lẽ lúc này không quan trọng bằng việc tìm ra giải pháp thiết thực để nâng cao sức khỏe cho DN trong bối cảnh hiện nay. Đây chính là cách để DN có “sức đề kháng” trước khó khăn và tồn tại lớn mạnh hơn.
30% doanh nghiệp cho biết đã từng gặp khó khăn về thủ tục hành chính. Ảnh: Nhã Chi
30% doanh nghiệp cho biết đã từng gặp khó khăn về thủ tục hành chính. Ảnh: Nhã Chi

Doanh nghiệp cần gì?

Tháng 4, số DN giải thể tiếp tục tăng. Như lý giải của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT, con số DN giải thể, tạm ngừng kinh doanh quý I tăng có liên quan nhiều đến yếu tố thời vụ do thời điểm đầu năm và có Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sang tháng 4, số DN giải thể vẫn tiếp tục tăng, nhiều ý kiến nhận định, đây là con số không bình thường. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng, đây là số liệu cho thấy sức khỏe DN đang rất yếu, môi trường kinh doanh đang không thuận lợi. 

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, để đạt được mục tiêu Chính phủ đặt ra là tăng số lượng DN lên con số 1 triệu DN vào năm 2020, thì số DN thành lập, tồn tại phải nhiều hơn. Nhìn về mặt kế hoạch, số DN “chết” nhiều như vậy là bất thường. Ngoài ra, đất nước ta đang tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do với tư cách là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất, có nghĩa cơ hội thị trường nhiều hơn, DN phải hoạt động nhiều hơn, đầu tư tốt hơn, chứ tại sao lại dừng hoạt động? Đáng lẽ DN phải phát triển mạnh mẽ hơn, tại sao lại yếu đi, lại chết nhiều?

Đặt ra một loạt câu hỏi, ông Tô Hoài Nam dẫn đến nguyên nhân đó là do DN hoạt động đơn lẻ, đã yếu lại không thể liên kết, chia sẻ thông tin với nhau, đứng trước sự cạnh tranh với đối thủ lớn hơn, kinh nghiệm nhiều hơn, chi phí tiền vay thấp hơn, thị trường tốt hơn, làm ăn bài bản hơn, rất khó để DN cạnh tranh. Bên cạnh đó, trong kinh doanh, thông tin là rất quan trọng, biết rõ đối phương mới dám đầu tư, nếu không thì sẽ “án binh bất động”. Chính phủ thì nói rất nhiều về thời cơ, về hội nhập, nhưng không nói những điều cụ thể mà DN cần nghe, ví dụ như hội nhập thì ngành nào của Việt Nam có lợi, lợi gì, cụ thể làm thế nào để khai thác được cái lợi này.

Nhà nước đã làm hết sức mình?

Việc chuyển hộ kinh doanh thành DN không chỉ đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế đất nước mà là cách cứu DN. Đây là con đường để các hộ kinh doanh có thể trụ vững và phát triển, còn nếu kinh doanh trong khu vực không chính thức, không sổ sách, không minh bạch thì rất khó trụ được trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Ông Tô Hoài Nam kiến nghị, Chính phủ phải làm mọi việc một cách tốt nhất trong điều kiện thực tế của Việt Nam, phần còn lại là của DN. Lúc này phải đặt câu hỏi Nhà nước đã làm hết sức mình chưa? Đại bộ phận DN Việt Nam thua trận, thị trường trong nước DN nước ngoài sẽ chiếm lĩnh, tổng thể đất nước không có lợi, nếu giả thiết đó thành hiện thực, không thể đổ hết lỗi cho DN là không cạnh tranh được, mà Chính phủ, cơ quan nhà nước cũng phải có trách nhiệm. Có thể dẫn chứng một trong những trở ngại làm cho DN nhỏ và vừa gặp hạn chế, yếu đi nhiều hơn là khó khăn về thủ tục hành chính với khoảng 30% DN đề cập đến khó khăn này. Vấn đề này hoàn toàn thuộc về Nhà nước, điều này Nhà nước phải thay đổi.

Tuy nhiên, ngoài trông chờ Nhà nước, nhiều chuyên gia cho rằng, quan trọng nhất vẫn là chính DN phải tăng cường nội lực, bỏ kiểu làm ăn chụp giật. DN phải tạo ra được thế mạnh, có công nghệ và chất lượng nguồn lực thực sự. Cơ bản vẫn là DN phải tự căn cứ vào nội lực của mình để vạch ra chiến lược, phát huy những ưu điểm hiện có, hạn chế những yếu điểm. Đây là việc làm chủ quan của mỗi DN không ai có thể làm thay. Nhà nước chỉ hỗ trợ về chính sách, về cơ chế, về đào tạo nguồn lực cũng như quy hoạch, kế hoạch. Còn vươn lên để thành công, để hội nhập được vẫn chủ yếu là từ phía các DN.

Nhìn về mục tiêu 1 triệu DN trong năm 2020, ông Vũ Tiến Lộc đánh giá, sẽ khả thi nếu chuyển được lực lượng hộ kinh tế gia đình thành DN. Để làm được điều này, cần có thủ tục hành chính đơn giản, để hộ kinh doanh thấy có thuận lợi và nhìn thấy lợi ích. Hiện chúng ta có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Đây là lực lượng tiềm năng lớn, nếu chúng ta có chính sách tốt thì hoàn toàn có thể chuyển được lực lượng đó sang đăng ký theo Luật DN dưới hình thức DN.

Ông Lộc cho rằng, việc chuyển hộ kinh doanh thành DN không chỉ đáp ứng yêu cầu của phát triển kinh tế đất nước mà là cách cứu DN. Đây là con đường để các hộ kinh doanh có thể trụ vững và phát triển, còn nếu kinh doanh trong khu vực không chính thức, không sổ sách, không minh bạch thì rất khó trụ được trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Các DN dù nhỏ cũng phải vươn tới chuẩn quốc tế, mà chuẩn quốc tế quan trọng nhất là minh bạch để có thể kết nối vào chuỗi giá trị.

Chuyên đề