Để doanh nghiệp là động lực

Việc Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp đã thêm một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ nhằm đưa doanh nghiệp thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế đất nước.
Để doanh nghiệp là động lực

Doanh nghiệp lớn mạnh thì đất nước hùng cường. Đó là điều đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2016, diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua. Bởi thế, Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương, mọi cơ chế, chính sách phải làm sao tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Mọi rào cản, mọi điều kiện kinh doanh không phù hợp cũng phải bãi bỏ. Đồng thời, kiên quyết xử lý cán bộ gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ cũng nhất quán rằng, Nhà nước sẽ bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Rằng, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.

Rằng tất cả doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường… cùng cơ hội kinh doanh. Và rằng, Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ tiên lượng của chính sách để doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm sản xuất - kinh doanh…

Không chỉ với doanh nghiệp trong nước, mà với cả doanh nghiệp nước ngoài, thông điệp cũng rất rõ ràng. Đó là giải quyết triệt để các vướng mắc phát sinh liên quan tới thủ tục đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, nhất là đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Là tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thông qua đơn giản hóa các thủ tục chuyển nhượng, góp vốn đầu tư, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài…

Thông điệp này, trên thực tế, đã được trao gửi tại “Hội nghị Diên Hồng của Chính phủ với doanh nghiệp” và một lần nữa được tái khẳng định. Điều này là cần thiết để cộng đồng doanh nghiệp, để người dân thêm tin tưởng vào Chính phủ mới, vào các chính sách điều hành, để đồng thuận và bỏ vốn đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế đất nước.

Trong bối cảnh mà môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam còn nhiều vấn đề cần xử lý, thậm chí ngay trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, dư luận xôn xao vì vụ quán cà phê “Xin chào”, thì động thái này của Chính phủ đã thực sự lấy lại được niềm tin, khơi gợi sự hứng khởi trong cộng đồng doanh nghiệp.

Nhưng cùng với thông điệp thì cần có hành động cụ thể. Cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang trông chờ một nghị quyết riêng của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp, cũng như các chương trình hành động của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện nghị quyết này.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, trước khi có nghị quyết về phát triển doanh nghiệp, Chính phủ đã lần thứ 3 liên tiếp trong vòng 3 năm ban hành Nghị quyết số 19/CP, thể hiện quyết tâm rất lớn trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Cả hai nghị quyết này, nếu được thực thi có hiệu quả, chắc chắc sẽ cộng hưởng giá trị để vừa tạo sức hấp dẫn môi trường đầu tư, kinh doanh, vừa tạo cơ chế chính sách tối ưu nhất cho hoạt động của doanh nghiệp. Khi đó, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có được nền tảng vững bền nhất, thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế đất nước.

Chuyên đề