Doanh nghiệp kêu khổ vì hoàn thuế GTGT

(BĐT) - Có doanh nghiệp bị “mắc” hàng chục tỷ đồng thuế giá trị gia tăng (GTGT) đáng ra được hoàn. Có doanh nghiệp không đồng tình với cách áp dụng quy định hoàn thuế GTGT. Đó là một vài trong những khiếu nại của doanh nghiệp gửi đến cơ quan thuế nhưng chưa nhận được trả lời thỏa đáng.
Vướng mắc của nhiều doanh nghiệp trong hoàn thuế giá trị gia tăng cần sớm được xem xét, giải quyết. Ảnh: Tường Lâm
Vướng mắc của nhiều doanh nghiệp trong hoàn thuế giá trị gia tăng cần sớm được xem xét, giải quyết. Ảnh: Tường Lâm

Tắc việc hoàn thuế

Tại Hội nghị Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2019 ngày 26/11, ông Đỗ Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Thiết bị y tế Vinahankook cho biết, Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế có thuế suất GTGT của hàng bán ra trong nước là 5%, thuế suất GTGT của hàng hóa dịch vụ mua vào là 5% và 10%. Vì vậy, Công ty luôn có số thuế GTGT của hàng hóa mua vào lớn hơn số thuế GTGT của hàng hóa bán ra và được hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, do quy định thay đổi (Thông tư 130/2016/TT-BTC ra đời, hướng dẫn Nghị định số 100/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế và sửa đổi một số điều tại các thông tư về thuế) nên một vài năm gần đây, Công ty không được hoàn thuế.

Công ty đã nhiều lần gửi kiến nghị đến cơ quan thuế nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Theo thời gian, số thuế GTGT đầu vào lớn hơn đầu ra phát sinh thêm khoảng 3 tỷ đồng/năm. Đến hết tháng 8/2019, số thuế GTGT trên tờ khai thuế GTGT của Công ty còn được khấu trừ chuyển kỳ sau là gần 11,9 tỷ đồng và đến nay là hơn 12 tỷ đồng.

Trong khi đó, khi nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc thiết bị để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty vẫn bắt buộc phải nộp thuế GTGT đầu vào cho hàng nhập khẩu với thuế suất là 10%.

“Công ty phải chịu tồn đọng số tiền thuế GTGT được hoàn ngày càng lớn. Do đó, nếu không cho chúng tôi được hoàn thuế thì đó là sự thiếu công bằng đối với công ty chúng tôi”, ông Tuấn nói.

Vinahankook đề xuất 3 phương án giải quyết: Được hoàn số thuế GTGT còn được khấu trừ trên tờ khai thuế GTGT tháng 8/2019 là gần 11,9 tỷ đồng và cả cho các tháng tiếp theo; được bù trừ giữa số thuế GTGT còn được khấu trừ trên tờ khai thuế GTGT tháng 8/2019 với số thuế GTGT phải nộp của hàng nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phát sinh trong thời gian tới; được bù trừ số thuế GTGT còn được khấu trừ trên tờ khai thuế GTGT tháng 8/2019 và các tháng tiếp theo với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp hàng năm, bắt đầu từ năm tài chính 2019 trở đi.

Trả lời ý kiến này, ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính cho biết: “Đây là vướng mắc của nhiều công ty. Trong quá trình đánh giá, rà soát chính sách thuế GTGT, Bộ đã nghiên cứu phương án đưa đối tượng có chênh lệch về thuế GTGT đầu vào và đầu ra như trên vào đối tượng được hoàn thuế. Tuy nhiên, việc sửa đổi quy định cần theo quy trình xây dựng văn bản pháp luật”.

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định: “Bộ Tài chính ghi nhận đề xuất về chính sách của Vinahankook và sẽ trình các cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành”.

Bất nhất trong thực thi pháp luật

Cũng gặp vướng mắc về thuế GTGT và không đồng tình với cách giải quyết của cơ quan thuế, ông Nguyễn Kiên Cường, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Hòa Bình cho biết, công ty này đã đầu tư xe buýt để kinh doanh vận tải công cộng và được hướng dẫn là đối tượng không chịu thuế GTGT. Sau khi hoạt động hơn 1 năm, Công ty không thể phát triển được nên quyết định bán số xe nói trên. Khi đó, cơ quan thuế xác định số xe đó phải chịu thuế GTGT.

Trả lời vướng mắc này, ông Nguyễn Thế Mạnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nói: “Xe buýt không chịu thuế GTGT đầu vào khi được sử dụng để kinh doanh vận tải công cộng. Tuy nhiên, khi mua số xe đó, Công ty vẫn phải trả thuế GTGT cho người bán và số thuế này được tính vào giá trị tài sản để hạch toán tăng tài sản. Nguồn trả thuế GTGT này được khấu hao dần trong quá trình tài sản này tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh. Còn khi Công ty bán xe thì Công ty phải chịu 10% thuế GTGT vì đó là bán tài sản để đơn vị mua xe được khấu trừ”.

Không đồng ý với quan điểm này của cơ quan thuế, ông Cường nói: “Chúng tôi có đầy đủ tài liệu chứng minh doanh nghiệp mua xe của chúng tôi để vận tải công cộng. Tại sao họ được khấu trừ đầu vào mà chúng tôi lại không? Rất mâu thuẫn!”.

Chuyên đề