Một khảo sát gần đây cho thấy, 69% doanh nghiệp Việt Nam “chỉ nghe nói nhưng không biết gì” về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU. Ảnh: Lê Tiên |
Song điều đáng lo ngại là phần lớn DN (63%) chưa có sự chuẩn bị. Trong khi đó, những cải cách chính sách ở trong nước vẫn ở một chừng mực nhất định.
Doanh nghiệp chưa hành động
Ông Hoàng Văn Phương thuộc Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao vì so với các FTA mà Việt Nam ký trước đây thì mức độ bao phủ của Hiệp định rất lớn, bao gồm cả mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ (gồm cả chỉ dẫn địa lý)… Theo lộ trình cam kết, EVFTA sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2018. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực thì 48% biểu thuế hàng hóa từ EU vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ ngay, và ngược lại, 85% biểu thuế của EU sẽ xóa bỏ cho hàng hóa từ Việt Nam…
Ông Phương cho rằng, những cam kết chặt chẽ trong EVFTA sẽ tạo sức ép đổi mới toàn diện chính sách và thể chế trong nước, nhằm tối đa hóa tác động tích cực cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực với nền kinh tế. EVFTA sẽ mang lại rất nhiều tác động tích cực như: gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam để khai thác lợi ích của FTA, bổ trợ các nguồn lực sản xuất chất lượng cao (máy móc, thiết bị nhập khẩu từ EU chất lượng cao)…, nhưng nếu DN Việt Nam không tận dụng được thì đây sẽ là thách thức rất lớn đối với nền kinh tế.
Dẫn kết quả khảo sát về mức độ sẵn sàng của 120 DN, ông Trần Toàn Thắng, đại diện Nhóm nghiên cứu của CIEM cho biết, qua khảo sát 120 DN thì có tới 82% DN biết đến sự tồn tại của EVFTA, nhưng hầu hết các DN không hiểu biết sâu về Hiệp định. Trong số các DN biết về EVFTA thì có tới 69% DN “chỉ nghe nói nhưng không biết gì hơn”, còn 26% DN có kiến thức sơ đẳng, chỉ có 5% DN có kiến thức sâu. Đáng ngại hơn là, dù các DN có biết đến EVFTA nhưng phần lớn DN (63%) không có bất kỳ hành động nào, dù nhỏ để sẵn sàng cho EVFTA nói riêng và trong các FTA nói chung.
Trên thực tế, tỷ lệ các DN Việt Nam đã có giao dịch với EU rất cao (40%), nhưng phần lớn vẫn là DNNN. Khi thực hiện giao dịch với EU, DN Việt thường gặp khó khăn về chất lượng hàng hóa, thiết kế và đóng gói, thiếu thông tin về thị trường. Đây sẽ là những thách thức rất lớn đối với các DN Việt Nam trong khai thác thị trường EU khi EVFTA chính thức có hiệu lực.
Bảo vệ nhà đầu tư vẫn là điểm yếu
Theo CIEM, cam kết bảo vệ nhà đầu tư của EVFTA khá cao, tương đương với các cam kết quốc tế khác, sử dụng quy tắc đối xử tối thiểu là không trưng thu tài sản, trừ trường hợp cho mục đích công và có bồi thường thỏa đáng.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của CIEM về nội dung này lại cho thấy, hiện mức độ sẵn sàng bảo vệ nhà đầu tư vẫn là một điểm yếu của Việt Nam. Theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh toàn cầu năm 2015 - 2016, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam chỉ đạt 4,7/10 điểm, xếp thứ 100/140 quốc gia. Chất lượng quy định trong đầu tư thấp hơn các nước ASEAN 4, chỉ số tuân thủ hợp đồng không có sự thay đổi đáng kể. Để tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư, Chính phủ đã yêu cầu giảm thời gian giải quyết tranh chấp tại tòa án kể từ năm 2014, song đến nay hệ thống tư pháp đã được thực hiện không có sự thay đổi đáng kể để cải thiện hiện trạng….
Chia sẻ vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, đây là một trong những nội dung rất quan trọng của EVFTA. Bản chất của Chương đầu tư trong các FTA là bảo hộ tài sản của nhà đầu tư nước ngoài tại các nước họ đầu tư; bảo đảm tài sản ấy không bị quốc hữu hóa, không bị trưng thu và sau khi đầu tư họ có thể rút khỏi đất nước đầu tư một cách an toàn. Đặc biệt, khi xảy ra tranh chấp, nhà đầu tư nước ngoài ở nước sở tại nếu có tranh chấp về lợi ích thì có thể khởi kiện ra tòa án quốc tế, chứ không đơn thuần chỉ là tòa án Việt Nam như quy định hiện hành. “Đây là thách thức rất lớn, do đó chúng ta phải ý thức rất rõ các quy định mới này để thực thi EVFTA một cách tốt nhất”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Quan điểm của đại diện CIEM cũng nhận được sự tán thành của nhiều đại biểu. Tại Hội thảo, một số chuyên gia cho rằng, thực thi cam kết trong các FTA thế hệ mới, trong đó có EVFTA, sẽ là một cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, điều chỉnh chính sách nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.