Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản cho rằng, thủ tục quá nhiều, quá lâu chưa chắc giúp công trình chất lượng hơn, mà ngược lại, khiến chủ đầu tư phải bù chi phí bằng cách giảm chất lượng ở phần hoàn thiện.
Doanh nghiệp kêu trời
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành cho rằng, theo quy định hiện hành, tổng cộng doanh nghiệp phải mất từ 2 - 3 năm để có thể khởi công xây dựng dự án.
Một trong những thủ tục làm doanh nghiệp mệt mỏi nhất là trình duyệt thẩm định phê duyệt thiết kế xây dựng. Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định: Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở (trừ phần thiết kế công nghệ) của dự án đầu tư xây dựng công trình cấp đặc biệt, cấp 1; chủ trì thẩm định thiết kế kỹ thuật (trường hợp thiết kế ba bước), thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp thiết kế hai bước) của công trình cấp đặc biệt, cấp 1, công trình theo tuyến đi qua hai tỉnh trở lên và công trình do Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong khi đó, công trình cấp 1 là công trình trên 20 tầng, mà hiện nay các công trình cao tầng kể cả nhà ở tại TP.HCM và Hà Nội hầu hết đều trên 20 tầng.
Ông Nguyễn Văn Đực than thở, với doanh nghiệp tại TP.HCM, để thẩm định thiết kế cơ sở, doanh nghiệp phải ôm hồ sơ ra Bộ. Khi thi công, thì có 2 lần kiểm tra và thi công xong có ít nhất thêm 1 lần kiểm tra để nghiệm thu đưa vào sử dụng. Mỗi lần như thế phải mời đoàn của Bộ Xây dựng vào, chi phí đi lại ăn ở rất tốn kém, rồi mất thời gian. Ngoài ra, Bộ Xây dựng và các Sở Xây dựng không thể thẩm định được hết các công trình trong thời gian dưới 40 ngày đối với công trình cấp 1 (Bộ giải quyết) và dưới 30 ngày đối với các công trình còn lại (Sở giải quyết). Thời gian vẽ bản vẽ thiết kế kỹ thuật mất hơn 3 - 5 tháng, cộng với 3 tháng cơ quan chức năng thẩm định bản vẽ thiết kế kỹ thuật thì doanh nghiệp phải mất thêm hơn 6 tháng đến 1 năm.
Theo đại diện doanh nghiệp bất động sản này, những quy định như trên làm tăng chi phí của doanh nghiệp, làm tiêu hao tài sản và công sức của doanh nghiệp, dẫn đến dự án chậm khởi công, chậm đưa sản phẩm ra thị trường và tăng giá bán (từ 10 - 20%) mà chưa chắc chất lượng tốt hơn.
Nhà nước không nên ôm việc
Nhưng lại có một nghịch lý là sau khi được cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng thẩm định, chủ đầu tư lại phải ôm hồ sơ này về nộp lại Sở Xây dựng để được cấp giấy phép xây dựng. Quy trình này là bất hợp lý nên rất cần thay đổi để giảm nhẹ công việc của Bộ Xây dựng, để Bộ tập trung vào công tác quản lý nhà nước, thực hiện thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật các công trình cấp đặc biệt, công trình theo tuyến đi qua hai tỉnh trở lên và công trình do Thủ tướng Chính phủ giao, cũng như thực hiện hậu kiểm. Các chủ đầu tư cũng giảm bớt thời gian và chi phí làm thủ tục hành chính.
Sửa đổi quy định này, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoRea, phải sửa ngay từ luật để không xảy ra tình trạng như hiện nay. Luật thì thoáng (luật khung không quy định chi tiết thực hiện) nhưng nghị định, thông tư thì quy định chi tiết, thậm chí như ban hành thêm quy phạm pháp luật mới, buộc doanh nghiệp phải làm một số thủ tục hành chính phê duyệt dự án thông qua Bộ chủ quản. Điển hình như quy định công tác thẩm định phê duyệt thiết kế xây dựng, Luật Xây dựng chỉ quy định khung là Chính phủ quy định chi tiết các bước thiết kế xây dựng, thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng. Sau đó, Nghị định 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 mới quy định chặt thêm quy trình thẩm định thiết kế như hiện tại.
HoRea kiến nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 78 Luật Xây dựng, trong đó nêu rõ phân cấp cho UBND TP. Hà Nội, TP.HCM thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng công trình cấp 1.
Ông Nguyễn Văn Đực cũng đề nghị, phân cấp cho UBND TP. Hà Nội và TP.HCM công việc này; hoặc bỏ thẩm định thiết kế, giao cho tư vấn thẩm tra. Nhà nước nên tập trung thẩm định các công trình vốn ngân sách đang bị lãng phí và đội vốn.