Việc phát triển các khu đô thị theo kiểu “lèn chặt” theo ranh giới hành chính sẽ thiếu tính bền vững trong tương lai. |
Nước đã đến chân!
Quyết định 24/QĐ-TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung phát triển TPHCM dường như chưa tính hết tác động của biến đổi khí hậu lên các mặt đời sống của người dân như triều cường tăng cao, lượng mưa tăng giảm bất thường, xâm nhập mặn tại hai con sông Đồng Nai và sông Sài Gòn ngày càng sâu…
Trong ba năm gần đây, ngành cấp nước TP.HCM rất vất vả chống chọi với việc xâm nhập mặn và lượng mưa ít đến độ mực nước các con sông hạ thấp diễn ra đồng thời với xâm nhập mặn lấn sâu và độ mặn tăng cao ảnh hưởng đến nguồn nước thô cung cấp cho sáu trạm lấy nước để xử lý, cung cấp nước sạch cho cả TP.HCM.
Trong khi đó, khu vực phía Nam, vốn là hướng phát triển đô thị lấn biển của thành phố, cũng đối mặt với các tác động của triều cường thể hiện qua những trận ngập trên nhiều tuyến đường, khu dân cư xuất hiện ngày càng dày, mưa bão thường xuyên và sạt lở sông rạch rượt đuổi nhiều người dân tất tả dọn đồ chạy trong đêm…
Ông Lý Khánh Tâm Thảo, Phó trưởng phòng Quản lý Quy hoạch khu trung tâm thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, thừa nhận: ngoài việc TP.HCM cần phải điều chỉnh quy hoạch phát triển chung để phù hợp với quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm TP.HCM và bảy tỉnh phía Nam (quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh), các tác động về biến đổi khí hậu cũng đặt ra yêu cầu phải điều chỉnh quy hoạch phát triển thành phố.
Theo ông Thảo, một nội dung đang được ngành quy hoạch - kiến trúc (gồm cả cơ quan quản lý quy hoạch lẫn các chuyên gia trong ngành) nhận thấy là có nhiều nội dung được duyệt trong quy hoạch năm 2010 rất khác với thực tế đang diễn ra lúc này.
“Ngay trong năm 2018 này, Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố sẽ làm công tác đánh giá tổng thể những bất cập, điểm chưa phù hợp của quy hoạch năm 2010. Theo đó, sở sẽ tổ chức nhiều hội thảo, thu nhận góp ý mang tính khoa học từ các chuyên gia trong ngành để hoàn chỉnh dự thảo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM cho những năm tới trước khi trình Chính phủ phê duyệt”, ông Thảo cho hay.
Trở lại với quy hoạch phát triển thành phố được phê duyệt năm 2010, ông Thảo cho rằng ở thời điểm chuẩn bị lập quy hoạch (khoảng năm 2006) đến khi quy hoạch được duyệt (năm 2010), Việt Nam vẫn chưa chính thức công bố kịch bản biến đổi khí hậu quốc gia. Cho nên, phải thừa nhận rằng quy hoạch phát triển thành phố này chưa tính đến tác động của nước biển dâng và các tác động khác của biến đổi khí hậu đến thành phố.
Theo kịch bản biến đổi khí hậu quốc gia được Bộ Tài nguyên và Môi trường cập nhật và công bố năm 2016, nếu mực nước biển dâng thêm 100 cen ti mét và thành phố không có biện pháp ứng phó, thích ứng phù hợp thì 17,84% diện tích của thành phố có nguy cơ bị ngập.
“Do vậy, trong lần rà soát điều chỉnh quy hoạch này, thành phố sẽ tính đến chuyện đưa kịch bản biến đổi khí hậu vào chạy mô hình xem thử những khu vực nào dễ bị “tổn thương” nhất do ngập để các nhà tư vấn đưa vào những giải pháp quy hoạch phù hợp trong tương lai”, ông Thảo nói. Ông Thảo cũng cho biết: những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu thể hiện trong quy hoạch được điều chỉnh lần này có thể sẽ bao gồm các giải pháp thủy lợi, đê bao, thoát nước, nâng cốt nền, di dời hay… không phát triển đô thị ở những khu vực dễ bị tổn thương.
Theo các chuyên gia về môi trường, tác động của biến đổi khí hậu cộng hưởng với dân số tăng nhanh và đô thị hóa nhanh gây ngập lụt ngày càng rõ nét. Song song đó, nền nhiệt độ tăng gây nóng bất thường xuất hiện ngày càng nhiều hơn tại thành phố. Tình trạng này buộc các nhà làm quy hoạch tính đến việc quy hoạch thêm nhiều mảng xanh cho thành phố để giúp cân bằng nhiệt độ. Ngoài ra, trước tình trạng xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt hơn, các nhà làm quy hoạch cũng cần phải tính toán, quy hoạch lại các vùng canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại thành phố sao cho hài hòa, hợp lý hơn.
Nén hay giãn?
Ở một khía cạnh khác về quan điểm phát triển đô thị, một chuyên gia về hạ tầng đô thị tại TPHCM cho rằng trong lần điều chỉnh quy hoạch phát triển này, thành phố cần tính toán đến việc phát triển đô thị nén bằng cách thu gọn diện tích xây dựng, không phát triển nhà theo chiều rộng mà chỉ phát triển theo chiều cao (phát triển nhà thành những khối cao) tập trung quanh các khu vực có năng lực giao thông tốt. Điều này vừa tiết kiệm diện tích đất dành để phát triển mảng xanh và phát triển đường sá, hạ tầng cấp thoát nước, vừa thuận lợi cho phát triển các trục giao thông công cộng có khối lượng vận chuyển lớn.
Còn theo ông Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cấu trúc đô thị TP.HCM cần phải thay đổi. Thay vì tập trung nhà cao tầng ở khu trung tâm, rồi thấp dần ra bên ngoài thì trong tương lai cần tập trung nhà cao tầng ngoài đô thị với quy mô, diện tích đủ để tổ chức hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế, thương mại, giải trí, thể dục thể thao nhằm giảm bớt sự đi lại của người dân. Còn trong đô thị thì tập trung đầu tư, phát triển công trình công cộng và nhà ở cao tầng tại các trạm metro. Khi đó, người dân chỉ vào trung tâm để thưởng ngoạn, giải trí hay mua sắm các vật dụng cao cấp hơn.
Ông Mười cho rằng cần phát triển nhiều cụm nhà cao tầng ở bên ngoài trung tâm, gần các ga cuối tuyến metro. Như vậy sau này sẽ thuận lợi cho sự di chuyển của người dân (bằng metro là chính). Khi đó, xe máy sẽ không còn hữu dụng nữa và đô thị sẽ tự chuyển động thích hợp với bối cảnh mới.
Ông Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhận xét rằng lâu nay thay vì phát triển ra toàn vùng thì thành phố lại cố gắng “lèn chặt” vào ranh quản lý hành chính của mình dẫn đến kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường... Trong khi đó, các khu vực nằm kề cận TPHCM trong vùng như Nhơn Trạch - Đồng Nai, Thuận An, Dĩ An - Bình Dương vốn là những nơi rất thuận lợi cho phát triển đô thị với nền đất cao lại không được chú trọng phát triển và kết nối dẫn tới các khu vực này thiếu động lực để phát triển.
Vì vậy, ông Hòa cho rằng, để các đô thị trong vùng, trong đó có TP.HCM, tiếp tục phát triển thì cần nghiên cứu xác định tầm nhìn từ góc độ quy hoạch, liên kết, điều phối phát triển vùng. Trên thực tế, TP.HCM không thể đề xuất thay đổi ranh quản lý hành chính của mình sang các tỉnh. Do vậy, khi nghiên cứu quy hoạch xây dựng vùng, hãy làm mờ đi ranh giới quản lý hành chính đang “bó chặt” và kìm hãm sự phát triển để hướng tới một vùng đô thị có khả năng phát triển năng động, khai thác hết thế mạnh, dựa trên những điều kiện đất đai, địa chất, thủy văn phù hợp cho phát triển đô thị.
Một chuyên gia đô thị khác đề xuất: đối với từng đô thị hiện hữu trong vùng, phải xem xét lại khả năng quy hoạch phát triển đô thị theo hướng bền vững trong ranh hành chính hiện nay để cân đối lại các chức năng nhiệm vụ. Chỉ nên phát triển đô thị tại những khu vực có các điều kiện đất đai, địa chất, thủy văn phù hợp cho phát triển đô thị. Nếu khu vực nào được quy hoạch mà rơi vào vị trí không thuận lợi thì cần xem xét lại để điều chỉnh theo hướng giảm, hoặc nếu cần thiết có thể đề nghị mở rộng, hoặc phát triển ra ngoài ranh hành chính hiện hữu. Khi điều chỉnh quy hoạch thành phố, hãy làm mờ địa giới hành chính để đô thị phát triển tự nhiên giống như cái cây - cứ để rễ đi tìm nước, tìm chỗ đất tốt để phát triển.
Chuyên gia đô thị này cảnh báo: việc phát triển các khu đô thị theo kiểu “lèn chặt” theo ranh giới hành chính sẽ thiếu tính bền vững trong tương lai, thậm chí chứa đựng những hiểm họa khó lường trước những diễn biến phức tạp về biến đổi khí hậu nước biển dâng. Vì thế, rất cần một sự đánh giá thật khách quan về các chức năng, các chỉ tiêu phát triển đã được tính toán trước đây khi nghiên cứu quy hoạch đô thị để có sự điều chỉnh phù hợp hơn cho tương lai theo hướng lựa chọn phát triển tập trung ở các nơi có các điều kiện đất đai, địa chất, thủy văn thuận lợi chứ không trải đều theo ranh hành chính của các quận, huyện như cách làm lâu nay.