Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo kết quả đấu giá quyền mua cổ phần của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã chứng khoán HNV) do Bộ Giao thông Vận tải chào bán.
Theo đó, với hơn 371,53 triệu quyền mua chào bán (mỗi 100 quyền mua được phép mua 15,57 cổ phiếu phát hành thêm) tương đương 57,84 triệu cổ phiếu phát hành thêm. Với giá đấu khởi điểm 6.026 đồng/quyền mua, Bộ GTVT chỉ bán được vỏn vẹn 262.000 quyền mua (tương đương quyền mua 40.793 cổ phiếu HVN) cho 9 nhà đầu tư cá nhân tham dự đấu giá.
Với giá đấu thành công bình quân bằng giá khởi điểm 6.026 đồng/quyền mua, tổng giá trị quyền mua bộ chào bán được trong đợt này chỉ vỏn vẹn 1,6 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với giá trị tối thiểu dự kiến trước đó là hơn 2.200 tỷ đồng.
Bộ GTVT chỉ thu về vỏn vẹn 1,6 tỷ đồng từ đợt đấu giá quyền mua cổ phiếu HVN thay vì hơn 2.200 tỷ đồng như kế hoạch. Ảnh: HVN.
Nguyên nhân Bộ GTVT đấu giá quyền mua cổ phiếu HVN bị ế ẩm chính là mức giá để mua mỗi cổ phiếu phát hành thêm thông qua đấu giá quyền mua còn đắt hơn nhiều lần so với mua trực tiếp cổ phiếu trên sàn giao dịch.
Cụ thể, hiện tại cổ phiếu HVN đang được giao dịch với giá 32.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, nhà đầu tư nào mua 10.000 quyền mua sẽ phải chi ra 60,26 triệu đồng, lượng quyền mua này được phép mua thêm 1.557 cổ phiếu HVN với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy nhà đầu tư sẽ phải chi thêm 15,57 triệu đồng để mua cổ phiếu phát hành thêm. Tổng cộng nhà đầu tư sẽ phải chi 75,83 triệu đồng để mua 1.557 cổ phiếu HVN phát hành thêm nếu thông qua đấu giá quyền mua, tương đương mỗi cổ phiếu phát hành thêm có giá 48.700 đồng, cao hơn 48% thị giá đang được giao dịch trên thị trường.
Mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết sau khi hoàn thành việc phát hành cổ phiếu đợt cuối cùng vào ngày 2/7 tới sẽ hoàn thành thủ tục để đổi sang niêm yết trên sàn HoSE trong quý III/2018.
Trước đó, tháng 5/2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã cho phép Bộ GTVT là đại diện sở hữu vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines được phép sử dụng toàn bộ số tiền chênh lệch khi xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm Vietnam Airlines chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần là 1.068 tỷ đồng, để thực hiện quyền mua gần 107 triệu cổ phiếu và thực hiện thủ tục đấu giá quyền mua 57,8 triệu cổ phiếu khi Vietnam Airlines phát hành thêm cổ phần để tăng vốn.
Theo phương án cổ phần hóa Vietnam Airlines, Nhà nước sẽ giữ nguyên phần vốn hiện có và phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 14.101 tỷ đồng, trong đó cổ đông Nhà nước nắm 75% vốn. Hiện tại, Vietnam Airlines mới chỉ tăng vốn lên đạt 12.3000 tỷ.
Giá cổ phiếu HVN đã giảm rất nhiều thời gian gần đây. Nguồn: VNDirect.