Vỡ phương án tài chính tại Dự án BOT Quốc lộ 38: IMP trượt dài trong khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vào ngày 25/4 tới, 10 triệu cổ phần Công ty CP BOT 38 thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư Khai thác cảng (IMP) đã cầm cố cho Công ty CP Kinh doanh địa ốc Him Lam (nay là Công ty CP Bất động sản Trường Sơn) sẽ tiếp tục được bán đấu giá để thu hồi nợ. Nổi lên với loạt hợp đồng “khủng” trong lĩnh vực giao thông vận tải nhưng không ít dự án của IMP đang trong tình trạng khó khăn.
Năm 2023, nguồn thu từ Dự án BOT Quốc lộ 38 chỉ đạt 30% phương án tài chính. Ảnh: Nhã Chi
Năm 2023, nguồn thu từ Dự án BOT Quốc lộ 38 chỉ đạt 30% phương án tài chính. Ảnh: Nhã Chi

Chia sẻ với Báo Đấu thầu về Dự án BOT Quốc lộ 38 do IMP sở hữu 40% thông qua Công ty CP BOT 38, Chủ tịch HĐQT IMP Lưu Quang Lãm cho biết, Dự án đã bị vỡ phương án tài chính do các phương tiện lưu thông cố tình né trạm thu phí. Trong năm 2023, nguồn thu từ Dự án mới đạt 30% phương án tài chính. “Lượng xe qua trạm chỉ đạt 1/5, các phương tiện né trạm qua cầu Hồ, đường đê. Doanh nghiệp đã đề xuất đặt trạm thu tại vị trí khác nhưng đến nay chưa được chấp thuận. Việc đặt trạm cũng được tỉnh Bắc Ninh và nhân dân đồng tình, vì việc các phương tiện né trạm thu phí không chỉ gây thất thoát cho nhà đầu tư mà còn gây mất an toàn giao thông”, ông Lãm cho biết thêm.

Được biết, Quốc lộ 38 đoạn nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 5 qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương có chiều dài 28,6 km với tổng mức đầu tư 1.679 tỷ đồng. Dự án thu phí thực tế từ ngày 10/4/2018 (chậm 2 năm so với hợp đồng). Doanh thu thực tế của Dự án năm 2019 đạt 103,2/147,4 tỷ đồng theo phương án tài chính; năm 2020 đạt 80,4/161 tỷ đồng; năm 2021 đạt 78,2/175,4 tỷ đồng.

Quay trở cuộc đấu giá trên, 10 triệu cổ phần BOT 38 có giá khởi điểm 100 tỷ đồng, từng được bán đấu giá vào tháng 8/2023 nhưng không thành. Được biết, số cổ phần này được IMP cầm cố tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) - Chi nhánh Vũng Tàu theo Hợp đồng cầm cố chứng khoán số 01/2016/HĐCC/CN VungTau ngày 20/7/2016, trước khi được chuyển giao cho Công ty CP Kinh doanh địa ốc Him Lam (gọi tắt là Him Lam).

Cũng trong ngày 25/4, Công ty Đấu giá hợp danh Toàn Cầu Group sẽ tổ chức bán đấu giá 1,5 triệu cổ phần Công ty CP Đầu tư Khai thác cảng biển hàng hải An Thới (An Thới Port) đã cầm cố để bảo đảm cho khoản vay phát sinh theo Hợp đồng tín dụng số HDTD5702018200 ngày 20/11/2018. Đến ngày 11/3/2020, Him Lam đã mua lại khoản nợ này. Trong đó, 1,275 triệu cổ phần An Thới Port thuộc sở hữu của IMP, 0,075 triệu cổ phần thuộc sở hữu của ông Lưu Quang Lãm (chủ sở hữu IMP) và 0,15 triệu cổ phần do ông Ngô Xuân Trường nắm giữ.

Công ty CP Đầu tư Khai thác cảng có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, do ông Lưu Quang Lãm nắm giữ 74% cổ phần. Bên cạnh đó, ông Lãm là người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Đầu tư khai thác cảng biển hàng hải An Thới, Công ty TNHH MTV Khai thác cảng Kim Chân, Công ty TNHH MTV Khai thác Cảng - 287, Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và Năng lượng, Công ty CP Truyền thông bóng đá Việt Nam (VFM) - đơn vị sở hữu hai kênh truyền hình Thethao TV và Bongda TV.

Trước đó, vào ngày 1/6/2023, IMP đã bán hơn 2,557 triệu cổ phần SGN (tương ứng 7,6% vốn điều lệ) của Công ty CP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cho Him Lam. Nếu tính theo giá trị đóng cửa của cổ phiếu SGN vào 1/6/2023 là 74.000 đồng, giá trị của thương vụ khoảng hơn 189 tỷ đồng. Thương vụ từng làm dấy lên những đồn đoán về sự tham gia của Him Lam vào lĩnh vực hàng không. Tuy nhiên chỉ sau đó 1 tháng, Him Lam đã bán ra 0,98 triệu cổ phần SGN và không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp này.

IMP tham gia vào SASG từ cuối năm 2014 với vai trò cổ đông chiến lược khi mua thoả thuận 13% cổ phần công ty này với giá theo hợp đồng là 14.100 đồng/cổ phần, thời hạn nắm giữ là 5 năm.

Theo dữ liệu của phóng viên, IMP từng cầm cố hơn 2,557 triệu cổ phần SGN tại LPBank trước khi chuyển sang cầm cố tại Him Lam vào năm 2020. Him Lam Land cũng thay thế LPBank là nơi cầm cố toàn bộ quyền phát sinh (toàn bộ các quyền của bên thế chấp được hưởng) từ “Dự án Xã hội hóa nạo vét, thiết lập khu neo đậu chuyển tải, tránh trú bão, chờ đợi vào các bến cảng trên sông Soài Rạp (gọi tắt là Dự án nạo vét sông Soài Rạp) theo hình thức kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước” theo Hợp đồng số 11/2015/HĐNV-XHH ngày 18/5/2015 ký giữa IMP và Cục Hàng hải Việt Nam.

IMP cũng đang gặp khó tại Dự án nạo vét sông Soài Rạp (tổng mức đầu tư 851 tỷ đồng), khi Dự án bị “treo” từ năm 2015 đến nay do vướng mắc trong việc xác định giá của sản phẩm tận thu. “Phải chờ Nghị định thay thế Nghị định số 159/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa, để chốt phương án xác định giá của sản phẩm nạo vét, mới có thể ký phụ lục hợp đồng mới cho Dự án”, ông Lãm chia sẻ.

Chuyên đề